Trước tình trạng gia tăng tai nạn giao thông (TNGT) trong những tháng đầu năm, Bộ GTVT đã thành lập 7 đoàn công tác đặc biệt do 7 Thứ trưởng dẫn đầu tiến hành thanh tra công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT tại 21 tỉnh, thành phố có TNGT tăng cao. Kết quả cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp vận tải tại các địa phương này đều có những vi phạm. Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải đã bị đề xuất xử lý vi phạm từ mức xử phạt, thu hồi phù hiệu đến tước Giấy phép kinh doanh.
 


Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Chánh Thanh tra Bộ GTVT: “Đến nay, các Đoàn kiểm tra đã kiểm tra và có kết quả tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ngãi, Bình Định và Thừa Thiên - Huế. Nổi cộm nhất là vi phạm tốc độ của xe khách rất nhức nhối. Qua kiểm tra dữ liệu trích xuất từ hộp đen, phát hiện nhiều đơn vị có phương tiện chạy vượt tốc độ nhiều lần, như trong thời điểm (từ 01/7/2013 đến 15/7/2013), các phương tiện vượt quá tốc độ 80km quá nhiều, số xe vượt quá tốc độ chiếm 80% đến 90%”.

Không “du di” với sai phạm

Một động thái dễ nhận thấy sau khi công bố kết quả thanh tra là hầu hết các địa phương đều đứng ra “xin” cho các doanh nghiệp và đề xuất cho thời gian để khắc phục những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước. Tại Sơn La, trước yêu cầu rút Giấy phép kinh doanh vận tải của Công ty CP xe khách Sơn La do lỗi không thực hiện đúng nội dung đã đăng ký về chất lượng dịch vụ vận tải, Giám đốc Sở GTVT Sơn La “xin” được cho tồn tại để khắc phục: “Cái này do anh em sơ suất, đáng lẽ những xe cũ nát này phải bị loại bỏ nhưng do chỉ chạy các tuyến ít khách, không cạnh tranh nên họ chủ quan không thực hiện. Đây là đơn vị chủ lực của tỉnh, nếu tước giấy phép sẽ gây đảo lộn việc đi lại của nhân dân…”...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Huyện: “Tình trạng nhiều doanh nghiệp còn buông lỏng quản lý kinh doanh vận tải chủ yếu do lãnh đạo địa phương và các ban, ngành liên quan chưa quan tâm đến công tác này. Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải cũng không quan tâm đến việc quản lý đội ngũ lái xe vi phạm ATGT, mất công bằng giữa doanh nghiệp tốt và không tốt. Bằng chứng rõ nhất là phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các hợp tác xã vận tải khách bằng ôtô không có bộ phận theo dõi ATGT. Có hợp tác xã tổ chức được bộ phận này nhưng nhân viên chỉ làm kiêm nhiệm nên hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, các tỉnh rất buông lỏng cấp phép hoạt động của xe container dẫn đến loại phương tiện này vi phạm nhiều mà không quản lý được. Chúng tôi đã có báo cáo trình Bộ trưởng kết quả kiểm tra 9 tỉnh vừa qua. Còn 12 tỉnh nữa nằm trong diện phải thanh tra trong đợt này, ngoài kiểm tra theo kế hoạch, các Đoàn cũng sẽ thực hiện những đợt kiểm tra đột xuất các đơn vị để phát hiện vi phạm. Trong đợt kiểm tra vừa rồi, các Đoàn mới kiểm tra được từ 1-3% số doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tại các tỉnh, đã phát hiện hơn một nửa doanh nghiệp vi phạm. Như vậy sẽ còn khoảng trên 90% doanh nghiệp chưa được kiểm tra. Chúng tôi sẽ yêu cầu các tỉnh tiếp tục thanh, kiểm tra các doanh nghiệp còn lại”.

Đối với những sai phạm vừa được phát hiện vừa qua, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cũng cho biết, sẽ yêu cầu các địa phương tiến hành xử phạt hành chính đối với những vi phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định xử phạt. Đối với một số sai phạm nghiêm trọng, các đoàn thanh tra sẽ yêu cầu địa phương đình chỉ hoạt động. Sau 3 tháng nếu khắc phục kịp thời mới xem xét cho phép hoạt động trở lại.
 

Hữu Bắc