Không chỉ đầu tư xây mới, chi phí vận hành - bảo trì đường BOT đang “đánh” vào túi tiền người đi đường.
Chi phí bảo hành lên đến hàng trăm triệu đồng/km/năm, tính cả tuyến có khi hàng chục tỷ đồng/năm. Hiện chưa có biện pháp quản lý chi phí bảo hành chặt chẽ. Nếu không sớm lấp kẽ hở, phí đường đội lên, người dân trả phí mà không được đi trên đường sạch đẹp.
|
Tuyến BOT Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Lao Động |
Đường mới vương đất đá, cỏ mọc
Tuyến BOT Hà Nội - Bắc Giang đã thu phí 20 ngày (từ ngày 25/6) nhưng đang bộc lộ một số vấn đề trong vận hành, bảo trì. Theo khảo sát của phóng viên trong những ngày qua, tại một số đoạn tuyến, ở dải phân cách giữa, cỏ, cây dại mọc chìa ra lòng đường. Đoạn qua TP Bắc Giang, đất cát sau khi thi công chưa được thu dọn, vương ra mặt đường gây khó khăn cho phương tiện qua lại. Ở một số điểm, người dân ven đường còn tổ chức dịch vụ cấp nước, “tắm heo” ngay giữa lòng đường.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Quốc Anh, Phó Giám đốc Cty BOT Hà Nội - Bắc Giang nêu lý do: Do tuyến vừa đưa vào vận hành, nhiều việc nên việc tổ chức bảo trì, bảo dưỡng chưa được tập trung; bắt đầu vào mùa mưa, cỏ mọc nhanh, công nhân, máy móc cắt không xuể...
Ngày 14/7, Cục Cao tốc (thuộc Tổng cục Đường bộ) cũng đã kiểm tra đột xuất tuyến này, vì trước đó cũng liên tục nhắc chủ đầu tư chú trọng công tác bảo trì. Đoàn kiểm tra đánh giá công tác bảo trì tuyến có biến chuyển nhưng chậm. “Sau đợt kiểm tra này, nếu chủ đầu tư không cố gắng, chúng tôi sẽ đề xuất biện pháp xử lý, nặng nhất là ngừng thu phí” - đại diện Cục Cao tốc đánh giá. Về dịch vụ “tắm heo”, đoàn công tác khuyến cáo: Khi các phương tiện chở heo qua trạm thu phí (thuộc địa phận thị xã Từ Sơn) nên sử dụng điểm rửa xe, tắm heo miễn phí tại cây xăng tại vị trí qua trạm theo hướng từ Hà Nội đi Bắc Giang.
Đấu thầu mới ngăn được tăng phí
Vướng mắc lớn nhất trong vận hành, bảo trì đường cao tốc là chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ sở để tính chi phí. Điều này dễ phát sinh nhiều bất cập về chất lượng và khả năng đội phí qua trạm. Đại diện chủ đầu tư tuyến Hà Nội - Hải Phòng cho hay: Dự toán cho bảo trì tuyến đường 105 km này lên đến 50 tỷ đồng/năm, tương đương gần 500 triệu đồng/km/tháng (bao gồm bảo trì mặt đường, hệ thống điện, hệ thống chống động đất cho cầu...). Tổng Cty Đường cao tốc Việt Nam cũng vừa trình Tổng cục Đường bộ phê duyệt dự toán bảo trì ba tuyến cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TPHCM - Trung Lương) trong năm 2016 là 74,4 tỷ đồng. Tuyến Hà Nội- Bắc Giang có dự toán chi phí bảo trì chiếm 0,65% tổng số phí thu được.
“Hiện nay, chúng tôi cố thực hiện bảo trì theo khuyến cáo của các nhà thầu xây dựng. Chúng tôi cũng rất lo ngại khi bảo trì xong, vượt khung, lại không được thanh toán” - đại diện Cty Vidifi - Chủ đầu tư tuyến Hà Nội- Hải Phòng nói. Đại diện chủ đầu tư tuyến Hà Nội - Bắc Giang cho rằng: Do chưa có định mức nên không dám quyết chi tiền để bảo trì.
Tuy nhiên, thực trạng bảo trì không có cơ sở để tính chi phí dấy lên lo ngại sẽ tăng chi phí đầu tư, vận hành dẫn đến tăng phí. Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ) cho hay, các tuyến BOT hiện nay chia thành hai loại: Đường cao tốc (chưa có các quy định về bảo trì); Đường BOT không phải là cao tốc (đã có quy định về bảo trì). Hiện Vụ Bảo trì và Cục Cao tốc đang gấp rút soạn thảo các quy định về chất lượng, cơ sở tính chi phí bảo trì đường cao tốc để ban hành trong một vài tháng tới.
Trả lời câu hỏi vì sao các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách đã tiến hành đấu thầu để bảo trì nhưng các tuyến BOT với chi phí bảo trì lớn không tiến hành đấu thầu? Ông Điệp cho biết: “Tới đây, các chủ đầu tư là các tổ chức tài chính, không có bộ máy nhân sự, thiết bị bảo dưỡng, bảo trì đường sẽ phải đấu thầu chọn nhà thầu. Với các chủ đầu tư có khả năng tự làm sẽ kiểm soát chi phí theo đúng định mức, đơn giá nhà nước ban hành”.
Theo Tiền phong