|
|
Ứng dụng Grab (giữa) và Uber (trái) trên điện thoại di động ngày 26/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện thí điểm taxi công nghệ tại Việt Nam mà mới đây là sự thâu tóm của hãng Grab với Uber tại thị trường Đông Nam Á, đang đặt ra yêu cầu cùng với việc tạo điều kiện cho loại hình này phát triển trong tình hình hiện nay thì cần thiết lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Thay đổi thị trường vận tải
Thời điểm trước khi Uber, Grab vào Việt Nam, taxi truyền thống đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là tại các thành phố lớn với nhiều hãng taxi hoạt động. Số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, năm 2014, trước khi ứng dụng taxi công nghệ nở rộ, tổng lượng xe taxi truyền thống trên toàn quốc vào khoảng 50.000 xe. Riêng tại Hà Nội, năm 2015 có tới 20.000 xe taxi hoạt động.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, chỉ trong thời gian ngắn, Uber, Grab vào thị trường Việt Nam, số xe tham gia đã lên tới hơn 60.000 xe. Con số này bằng cả quá trình phát triển của các doanh nghiệp taxi truyền thống trong nhiều năm. Đặc biệt, Uber, Grab được người dân đón nhận ngay lập tức và nguồn nhân lực cũng được huy động rất nhanh chóng.
“Với góc độ là người tiêu dùng, người dân lựa chọn đi Uber hay Grab vì thuận tiện do phần mềm mang lại, kết nối dễ dàng, nhanh chóng, nhưng quan trọng hơn nữa là vì giá cả. Grab và Uber rất linh hoạt, có chế độ giá cả cho giờ cao điểm và thấp điểm trong khi taxi hiện chưa thực hiện được”, bà Hiền phân tích.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá, trong xu thế đẩy mạnh tiếp cận và làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng thì việc ứng dụng thí điểm đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng điện tử là một yếu tố tất yếu, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong quá trình thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
“Sau hơn 2 năm thực hiện thí điểm theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông Vận tải về ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng, taxi công nghệ đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, đem lại những lợi ích trực tiếp và thiết thực, được nhân dân ủng hộ”, ông Ngọc đánh giá.
Với tư cách là đơn vị có trên 2.000 thành viên đang hợp tác cùng Grab, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Giao thông vận tải Toàn Cầu nhận định: Xu hướng ứng dụng khoa học, công nghệ là tất yếu; trong đó có cả lĩnh vực vận tải. Từ khi Grab, Uber với cách làm mới vào Việt Nam, đã tiếp cận khách hàng nhanh chóng, chỉ trong thời gian ngắn thu hút được đông đảo khách hàng sử dụng. Bên cạnh đó, sự có mặt của Uber, Grab đã thúc đẩy các hãng taxi truyền thống buộc phải thay đổi”.
Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, hoạt động của Grab và Uber phát triển rầm rộ trên địa bàn thành phố thời gian qua khiến thị trường taxi bị đảo lộn, hoạt động của các doanh nghiệp taxi truyền thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hệ quả là nhiều công ty taxi đã giải thể hoặc sáp nhập. Hiện nay, số lượng đầu xe taxi chỉ còn 8.900 xe, giảm hơn 3.000 xe so với năm 2010.
Có thể nói doanh nghiệp taxi công nghệ nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh đã nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với taxi truyền thống. Nhiều hãng nhỏ nhanh chóng bỏ cuộc vì mất khách, mất nhân lực về tay đối thủ. Các hãng lớn trụ được thì cũng lao đao vì thị phần giảm sút. Đỉnh điểm là năm 2017, Vinasun đã thông báo sa thải 8.000 nhân viên để tinh giản đội ngũ. Mai Linh cũng mất 6.000 nhân viên dưới áp lực cạnh tranh của những ông lớn taxi công nghệ.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay đã có 4 địa phương chính thức tham gia thí điểm theo Quyết định 24/QĐ- BGTVT ngày 7/1/2016 về ứng dụng hợp đồng điện tử cho các doanh nghiệp gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh, 9 đơn vị (sau khi Uber sáp nhập vào Grab) cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện Hợp đồng vận tải điện tử gồm (Công ty TNHH Garbtaxi, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.Car), Công ty cổ phần Sun Taxi (S. Car), Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber đã sáp nhập vào Grab ngày 8/4/2018)….. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được đề xuất của 7 công ty có đề án gửi về Bộ Giao thông Vận tải.
Cần giải pháp tổng thể
Sau hơn 2 năm thực hiện thí điểm taxi công nghệ, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước đã có đủ dữ liệu để có thể xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện. Qua đó tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và môi trường đầu tư kinh doanh được thuận lợi.
TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, loại hình dịch vụ vận tải như Uber, Grab đã làm thay đổi không nhỏ thị trường vận tải. Tuy nhiên, việc quản lý loại hình này vẫn là đề tài tranh cãi tại nhiều nước. Có quốc gia cho phép hoạt động, có nơi cho phép một phần nhưng cũng có nơi cấm. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải xem xét tổng thể về lợi ích kinh tế - xã hội cũng như các vấn đề bất cập của loại hình này để đưa ra giải pháp quản lý.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, với dự thảo mới nhất về Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 86) vừa trình Chính phủ; trong đó có những nội dung quản lý khá chặt, nếu thực hiện được sẽ tạo ra sự cân bằng về điều kiện kinh doanh. Phải nhận thức rằng, không thể cấm được taxi công nghệ, đó là sự phát triển tự nhiên của thị trường. Không chỉ Uber, Grab, sắp tới có thể nhiều hãng khác cũng áp dụng công nghệ.
Giám đốc Hợp tác xã Giao thông vận tải Toàn cầu, Nguyễn Xuân Tuấn cho hay, gần đây xảy ra một số vụ việc lái xe Grab hành hung, dọa nạt hành khách hoặc nhiều trường hợp mất đồ trên xe không khiếu nại giải quyết được... Do đó, việc quản lý taxi công nghệ sẽ phải có giải pháp để giải quyết được vấn đề trên, giúp hành khách tiếp cận dịch vụ này được an toàn hơn.
“Việc yêu cầu các hãng taxi công nghệ đăng ký danh sách người lái, phương tiện, cam kết chất lượng và sự an toàn cho hành khách; hạn chế đi vào phố cấm, giờ cấm để giảm ùn tắc giao thông và cả việc minh bạch nghĩa vụ thuế với nhà nước là việc cần làm ngay của cơ quan chức năng để đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các loại hình vận tải….”, ông Tuấn đề xuất.
Dưới góc độ địa phương thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thời gian qua, Sở đã nghiên cứu đưa ra nhiều quy định để làm sao quản lý loại hình taxi công nghệ.
“Chúng tôi cho rằng, ứng dụng khoa học công nghệ là rất tích cực, tuy nhiên cần phải quản lý để hạn chế tiêu cực. Không thể thả nổi loại hình này, đặc biệt trong điều kiện giao thông của thành phố vẫn đang quá tải và thường xuyên xảy ra ùn tắc”, ông Hà cho hay.
Luật sư Lê Cao Cường (Công ty Luật An Viên - Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, taxi công nghệ có kết nối thông minh, hiện đại, quy mô hơn thì cần được khuyến khích. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là vì sao các doanh nghiệp taxi truyền thống không thay đổi chính mình, ứng dụng công nghệ mới mà lại phản ứng mạnh mẽ lại loại hình taxi công nghệ như thời gian vừa qua.
Nhận xét về thương vụ Uber sáp nhập vào Grab hồi đầu tháng Tư, Luật sư Cường cho rằng các hãng taxi truyền thống sẽ chỉ còn lại một đối thủ lớn. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp taxi truyền thống “lật lại thế cờ” nếu phát huy được những điểm mạnh, tinh giản lại bộ máy, áp dụng khoa học công nghệ và cạnh tranh vào những điểm mà Grab còn yếu.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, dự thảo sửa đổi Nghị định 86 mà Bộ Giao thông Vận tải đang chủ trì xây dựng đã tiếp thu nhiều ý kiến, đặc biệt là nhiều vấn đề thực tiễn xảy ra vừa qua. Quan điểm của ngành là đưa ra các quy định để hài hoà lợi ích của các bên liên quan đến hoạt động vận tải, gồm khách hàng, doanh nghiệp, người lao động và lợi ích của quản lý Nhà nước từ lợi ích thuế đến quản lý vận tải.
“Tuy nhiên, trong tinh thần lợi ích đa chiều, cơ quan quản lý Nhà nước xác định xây dựng khung chính sách để phát triển kinh tế - xã hội và tạo điều kiện cho người dân đi lại. Hiện dự thảo sửa đổi Nghị định 86 có một nội dung rất mới sẽ điều chỉnh toàn bộ hoạt động kinh doanh vận tải, đó là định nghĩa kinh doanh vận tải là gì. Theo đó thì taxi truyền thống, taxi công nghệ hay đơn vị kinh doanh vận tải hợp đồng đối chiếu theo định nghĩa đó sẽ biết mình thuộc loại hình nào”.
Về vấn đề rất được nhiều người quan tâm hiện nay là quản lý thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền khẳng định, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị định 86 để tạo thành một mặt bằng chung, đưa khung chính sách chung để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, công bằng, không thất thoát thuế của nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, hoạt động vận tải xe hợp đồng là lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải liên quan đến tính mạng con người, vì vậy cần tạo môi trường kinh doanh có điều kiện và tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện đó để đảm bảo an toàn, tính mạng cho người sử dụng. Hiện nay, ranh giới giữa hai loại hình vận tải xe hợp đồng và vận tải taxi còn chưa rõ ràng, điều kiện đặt ra để quản lý còn chưa phù hợp, cần đưa ra các quy định rõ ràng hơn trong thời gian tới.
“Các doanh nghiệp vận tải đã tham gia thí điểm cần đẩy mạnh truyền thông nhằm nhân rộng các mô hình này, phổ biến cho nhiều người dân được biết, khẳng định đây là hướng đi, là xu thế tất yếu của sự phát triển”, Thứ trưởng Thọ đề nghị.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp phát triển hài hòa giữa taxi công nghệ và truyền thống phải nhìn từ cả 3 phía là doanh nghiệp, khách hàng và Nhà nước. Trong đó, phía Nhà nước cần sớm đưa ra quy định cụ thể về tính chất pháp lý, trách nhiệm, vai trò, nghĩa vụ… của từng doanh nghiệp trên với đặc thù riêng. Grab hay các công ty cung cấp ứng dụng công nghệ kết nối vận tải phải chịu sự quản lý, tuân thủ theo quy định của Nhà nước.
Quang Toàn (TTXVN)