Quy định kể từ ngày 1/7/2014, người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chuẩn sẽ bị tịch thu và phạt như lỗi không đội MBH đang rất được dư luận quan tâm.
 

 

Không ít tranh cãi, băn khoăn xoay quanh quy định này khi thực tế có tới gần 80% MBH bán trên thị trường là hàng rởm, kém chất lượng.

Phạt từ 100.000- 200.000 đồng

Trong thời gian từ 20/5 đến hết tháng 6/2014, cơ quan chức năng sẽ tuyên truyền, nhắc nhở để người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy khi tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành quy định. Cũng trong thời gian từ 20/5 đến 19/6/2014, cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh buôn bán MBH giả, làm nhái mẫu mã thương hiệu của các loại MBH đạt quy chuẩn chất lượng, mũ có kiểu dáng bên ngoài giống nhưng không phải MBH cho người đi mô tô xe máy.

Trên thị trường hiện có quá nhiều nơi ngang nhiên bày bán loại MBH giả, loại mũ nhựa không có tác dụng bảo hiểm. Thời điểm này năm trước, khi cơ quan chức năng ào ạt ra quân, MBH vỉa hè (hầu hết là hàng rởm, mũ nhựa không phải MBH) bị dẹp gần như sạch bách. Tuy nhiên, sau một thời gian im ắng, giờ đây MBH vỉa hè lại tái xuất. Dọc theo nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, không khó để tìm thấy "quầy MBH lưu động".

Một miếng ny lông trải ra, một chiếc giá treo là có thể thiết lập thế giới MBH rởm, giá bèo. Dọc đường bờ sông Quan Hoa, phố Chùa Bộc, Tây Sơn, Hoàng Hoa Thám, Thanh Xuân, Phạm Hùng, Láng, Phạm Văn Đồng… MBH vỉa hè được bày bán ngang nhiên, không gặp bất cứ sự trở ngại nào. MBH còn ngang nhiên xuất hiện trong các cửa hàng chuyên doanh của các thương hiệu đạt chuẩn. Và có một thực tế là trong khi mũ vỉa hè với giá bán 25.000-80.000 đồng/chiếc bán chạy như tôm tươi, tại nhiều cửa hàng bán MBH của những thương hiệu uy tín với giá 250.000-450.000 đồng/chiếc lại lâm cảnh đìu hiu. Không ít khách bước chân vào cửa hàng vẫn hỏi mua những chiếc mũ giá rẻ.

Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), thủ đoạn làm MBH rởm ngày càng tinh vi, phức tạp, việc phát hiện để ngăn chặn, xử lý trở nên khó khăn và mất thời gian. Các đối tượng trên thường chọn đặt cơ sở sản xuất và kho hàng ở các địa phương xa, vắng vẻ và hoạt động vào ban đêm nên rất khó phát hiện.

Đáng chú ý, nhiều cơ sở sản xuất MBH hợp quy cũng sản xuất MBH kém chất lượng. Bằng thủ đoạn công bố 1 mẫu sản phẩm hợp quy, họ cho dán tem hợp quy này lên các MBH rởm để bán. Theo thống kê của Chi cục QLTT Hà Nội, năm 2013, lực lượng QLTT thu giữ 25.038 chiếc mũ có hình thức giống MBH dành cho xe máy, với số tiền phạt hơn 244 triệu_đồng.

Chặn ngay từ gốc

Cuối tháng 4/2014, Đội 1, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội phối hợp với Chi cục QLTT Hà Nội tạm giữ một xe khách chở nhiều hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc, trong đó có gần 200 MBH nhãn hiệu Honda được dán tem hợp quy (CR). Tuy nhiên, tất cả vật liệu chế biến đều không đạt chất lượng, rất dễ vỡ khi va đập mạnh. Trước đó, Đội QLTT số 5 (Chi cục QLTT Hà Nội) cũng bắt quả tang tại hẻm 86/20 ngõ Trại Cá, Trương Định, Hoàng Mai (Hà Nội) gần 3.000 MBH kém chất lượng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban ATGT Quốc gia, cả nước hiện có khoảng 80 cơ sở sản xuất MBH, nhưng chỉ có 5 cơ sở làm được MBH hoàn chỉnh đạt chất lượng. Bên cạnh đó, qua kiểm tra tại các cơ sở sản xuất MBH đạt chất lượng cũng chỉ có 76% cơ sở đáp ứng được chất lượng theo quy chuẩn VN2: 2008/ BCKCN. Giá bán của sản phẩm kém chất lượng chỉ bằng 10- 20% sản phẩm chất lượng.

Đại diện Cục QLTT khẳng định, tới đây, Cục QLTT tiếp tục xác minh và phối hợp với các cơ quan chức năng mở rộng điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm.

Trước sự "bát nháo" của thị trường MBH, không ít ý kiến băn khoăn về quy định xử phạt người đội mũ không đạt chuẩn. Bác Nguyễn Thành Trung, đường La Thành, Hà Nội cho rằng: "MBH có dăm bảy loại, người tiêu dùng làm sao phân biệt được. Giờ hàng nhái nhiều, có tem vẫn không đạt chuẩn thì tính sao. Chẳng nhẽ người dùng vô tình mua phải mũ rởm cũng bị phạt?" Bác Trung cho rằng chỉ nên phạt những người mua mũ thời trang, tức loại giống nhưng không có đầy đủ 3 bộ phận và không có chức năng bảo vệ, chứ không nên phạt những người chẳng may mua phải hàng rởm, kém chất lượng.

Cũng có quan điểm cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng thị trường MBH lộn xộn và khó kiểm soát như hiện nay lỗi chính thuộc về cơ quan chức năng, chứ không thể đổ cho người dân. Vấn đề cốt lõi là cần ngăn chặn tận gốc hoạt động sản xuất kinh doanh MBH rởm, kém chất lượng.

Theo đại diện Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, MBH đã được chứng minh giúp giảm khả năng chấn thương nặng do tai nạn giao thông tới 69%, giảm khả năng tử vong tới 42%. Vì vậy bên cạnh, việc thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan chức năng trong hoạt động thanh kiểm tra, chống hàng giả, hàng nhái, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ, việc đội MBH đạt chuẩn không phải để đối phó với cơ quan chức năng mà để tăng khả năng bảo vệ cho chính mình.
 

Theo Thời báo Kinh doanh