Ôtô sẽ không phải dừng xe nộp tiền tại các trạm thu phí BOT
Cập nhật lúc 16:58, Thứ hai, 16/05/2016 (GMT+7)
Chủ phương tiện sẽ được dán một thẻ định danh E-tag (miễn phí lần đầu) lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí đã đủ tiền để giao dịch, xe chỉ cần đi qua các trạm thu phí mà không cần mất thời gian cho việc dừng xe và chờ đợi trả tiền mua vé tại các trạm phí BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Đây được coi là bước tiến mới trong việc đưa dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) vào ngành giao thông Việt Nam. (thu phí, trạm thu phí BOT, thẻ định danh E-tag)
Chủ phương tiện sẽ được dán một thẻ định danh E-tag (miễn phí lần đầu) lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí đã đủ tiền để giao dịch, xe chỉ cần đi qua các trạm thu phí mà không cần mất thời gian cho việc dừng xe và chờ đợi trả tiền mua vé tại các trạm phí BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Đây được coi là bước tiến mới trong việc đưa dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) vào ngành giao thông Việt Nam.
|
Thẻ E-tag (hình chữ nhật) được dán trên kính xe phía bên trái của tài xế điều khiển, tính phí tự động với trạm thu phí theo công nghệ không dừng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+). |
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm, từ hôm nay (16/5) sẽ bắt đầu triển khai dán thẻ định danh E-tag miễn phí trên ôtô để phục vụ cho việc thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, việc dán thẻ định danh E-tag không bắt buộc, tùy nhu cầu của chủ xe. Nếu không dán thẻ E-tag, chủ xe sẽ đi trên làn thu phí một dừng.
Trước đó, trong 2 ngày 14-15/5 vừa qua, Liên danh TASCO-VETC đã phối hợp cùng Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức khóa tập huấn nghiệp vụ dán thẻ E-Tag và mở tài khoản giao thông ETC cho các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới khu vực phía Bắc, tiến hành đưa dịch vụ thu phí tự động không dừng vào thực tế sử dụng tại Việt Nam. Chương trình với sự tham gia tập huấn của 37 Trung tâm Đăng kiểm tại khu vực phía Bắc, góp phần đánh dấu bước tiến mới trong việc đưa dịch vụ thu phí tự động không dừng vào ngành giao thông.
Theo đó, chủ phương tiện giao thông có thể bước đầu tiếp cận với dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) bằng cách đến các trung tâm đăng kiểm để được dán thẻ E-Tag và mở tài khoản giao thông ETC miễn phí lần đầu. Thẻ E-Tag là thẻ định danh phương tiện giao thông sử dụng công nghệ RFID, được thiết kế nhỏ gọn và dán trên kính xe hoặc đèn xe của chủ phương tiện.
Cùng với thẻ E-Tag, chủ phương tiện đồng thời được cung cấp một tài khoản giao thông để chính thức sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng ETC. Như vậy, khi tài khoản giao thông đã đủ tiền, xe chỉ cần đi qua các trạm thu phí mà không cần mất thời gian cho việc dừng xe chờ đợi trả tiền mua vé.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của Liên danh TASCO-VETC đã giúp các cán bộ trung tâm đăng kiểm nắm rõ quy trình dán thẻ E-Tag đồng thời hướng dẫn chi tiết cách quản lý kho thẻ và sử dụng phần mềm để đăng ký mở tài khoản quản lý ETC, nạp tiền vào tải khoản của chủ phương tiện giao thông.
Thẻ E-Tag có màu trắng, mỏng bằng tờ giấy, có kích thước khoảng 1,5cm x 3cm được dán trên kính chắn gió phía trước hoặc đèn phía trước của xe ôtô. Kỹ thuật dán thẻ để đảm bảo máy đọc thẻ tại các trạm thu phí đọc được dữ liệu (đạt yêu cầu) sẽ do nhân viên trung tâm đăng kiểm thực hiện. Thời gian mỗi lần dán thẻ, tạo tài khoản cho mỗi phương tiện chỉ mất 3-5 phút.
“Việc sử dụng công nghệ thu phí không dừng sẽ hạn chế tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí, tiết kiệm thời gian và chi phí cho chủ phương tiện. Đặc biệt, công nghệ thu phí không dừng sẽ tạo ra sự minh bạch trong thu phí của các Chủ đầu tư dự án BOT,” ông Trí cho biết.
Theo tiến độ của Bộ Giao thông Vận tải đặt ra, từ tháng Sáu tới, các trạm thu phí trên Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 sẽ bắt đầu có 2 làn dành cho các phương tiện nộp phí không dừng nên việc dán thẻ, tạo tài khoản đang cần triển khai gấp rút.
Hiện tại, công nghệ thu phí không dừng được Bộ Giao thông Vận tải giao cho Công ty VETC (28 trạm) và Vietinbank (9 trạm) thực hiện trên Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14. Trong đó, VETC đã thực hiện thí điểm tại 2 trạm ở Quảng Bình và Đắk Nông./.
Theo vietnamplus
.