Ngành đường sắt loay hoay tìm cách "thoát đáy" thị phần vận tải
Cập nhật lúc 23:49, Thứ ba, 21/02/2017 (GMT+7)
Tại hội nghị đối thoại và tri ân khách hàng năm 2017 do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chiều 20/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông mong muốn được lắng nghe và đối thoại với khách hàng để thúc đẩy ngành đường sắt phát triển. ( thị phần , loay hoay, vận tải, đường sắt)
Tại hội nghị đối thoại và tri ân khách hàng năm 2017 do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chiều 20/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông mong muốn được lắng nghe và đối thoại với khách hàng để thúc đẩy ngành đường sắt phát triển.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, năm 2016 là thời điểm khó khăn với đường sắt Việt Nam, có người cho rằng đường sắt Việt Nam đã xuống đáy, trong đó, sự cố sập cầu Ghềnh, làm đứt mạch đường sắt trong 3 tháng tạo ra khó khăn cho ngành. Vì vậy, sản lượng năm 2016 đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan có nguyên nhân chủ quan, như công tác điều hành, chưa linh hoạt trong thị trường, nhiều đầu mối chưa rõ ràng.
“Năm 2017 tiếp tục là năm thách thức với ngành đường sắt nhưng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm và đồng ý phê duyệt đề án nâng cấp hạ tầng đường sắt nhằm nâng cao năng lực vận tải và hành khách. Tuy vậy để vượt qua khó khăn, ngành đường sắt cần nghiên cứu giảm giá cước vận tải nhằm cạnh tranh với các loại hình vận tải khác,” ông Đông nhấn mạnh.
Tại hội nghị, nhiều khách hành cũng đã có ý kiến chia sẻ với khó khăn của ngành đường sắt và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để nâng cao năng lực của ngành đường sắt trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, đại diện Công ty Bêtông Bảo Vân (Vĩnh Phúc) là khách hàng chuyên vận chuyển ximăng, sắt thép thường xuyên trên các tuyến đường sắt nhận xét, vận chuyển đường sắt rẻ hơn, an toàn hơn.
Tuy nhiên, giá cước vẫn cao dù đã được giảm giá do còn nhiều phụ phí (như phụ phí dồn toa, chiều rỗng toa) làm doanh nghiệp khó tính toán. Vì vậy, ngành đường sắt tính toán giảm 20-30% so với giá hiện nay sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, việc vận chuyển của đường sắt còn chậm nên giá thành chỉ rẻ khi vận chuyển quãng đường dài còn ngắn thì không rẻ hơn các loại hình vận tải khác vì phải mất thêm tiền dỡ tải.
Còn đại diện Công ty Tân Cảng-Sài Gòn đề xuất nên lựa chọn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về kinh tế vận tải, logistic cho ngành đường sắt để tăng khả năng cạnh tranh.
Đại diện Công ty Xăng dầu Lào Cai Dương Tuấn Dũng cho hay, trước đó công ty vận chuyển hàng trăm nghìn tấn xăng dầu mỗi năm từ Hải Phòng đi Lào Cai đều bằng đường sắt.
Tuy nhiên từ khi cao tốc Nội Bài-Lào Cai đi vào hoạt động với phương thức vận tải dễ dàng nên khá hấp dẫn. Do đó, để đường sắt có thể cạnh tranh với đường bộ đề nghị Tổng công ty nên có giá thành ưu đãi, đề nghị nâng khối lượng vận chuyển cho toa tàu lên.
Ông Đỗ Đình Dược, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Sài Gòn chia sẻ, công ty đã có nhiều cố gắng để ngăn đà sụt giảm, nhưng kết quả đạt được không như mong muốn. Đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho nâng cấp năng lực vận tải của đoạn Sài Gòn-Nha Trang.
“Chỉ cần tối ưu hóa một số biện pháp như kéo dài đường ga, nâng cấp ke ga... , có chính sách khuyến mãi cho các công ty có các đoàn tàu chạy thêm thì có thể giải quyết được những khó khăn cho ngành đường sắt hiện nay,” ông Dược đề xuất.
Về phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc cho biết, Tổng công ty sẽ tiếp thu các ý kiến của khách hàng, đồng thời sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành giải quyết sớm những khó khăn của doanh nghiệp.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, kiến nghị về cải thiện hạ tầng đường sắt đang được bàn bạc trong dự thảo Luật Đường sắt, trong đó, các cơ quan của Quốc hội đều thống nhất phải có chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển hạ tầng của ngành đường sắt trong thời gian tới.
Về vấn đề kết nối, Thứ trưởng Đông khẳng định đây là yếu tố sống còn của đường sắt vì nếu không kết nối sẽ phải bốc xếp, đi kèm với các thủ tục sẽ dẫn đến chi phí vận tải tăng, gây phiền hà cho doanh nghiệp./.
Theo Quang Toàn/TTXVN/Vietnam+
.