Theo báo cáo của Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng, trong 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn đã xảy ra 164 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 107 người chết, 105 người bị thương. So với cùng kỳ, số vụ tăng 20 vụ (164/144 - tăng 13,89%), số người chết giảm 3 người (107/110 - giảm 2,73%), số người bị thương tăng 28 người (105/77 - tăng 36,36%).
|
|
Hiện trường vụ xe tải "điên" gây tai nạn kinh hoàng khiến 5 người chết tại huyện Đức Trọng - một trong những địa phương tăng cao TNGT |
Đặc biệt, trong 03 tháng gần đây, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh tăng cao bất thường; công tác đảm bảo TTATGT có dấu hiệu lơ là, chưa triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh (cụ thể: trong 6 tháng đầu năm 2018, số vụ tăng 11,88%, số người chết giảm 14,81%, nhưng đến tháng 9/2018 số vụ tăng 13,89%, số người chết chỉ còn giảm 2,73%).
Có 06 địa phương tình hình TNGT tăng cao, số người chết tăng, gồm: TP. Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Đạ Huoa; đặc biệt, trong 03 tháng qua, TP. Đà Lạt có số người chết vì TNGT là 7 người, huyện Đức Trọng 15 người, bằng với số người chết của 6 tháng đầu năm 2018.
Chủ trì Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, đánh giá, mặc dù tình hình TTATGT trong 9 tháng năm 2018 trên địa bàn tỉnh có giảm về số người chết 2,73%, nhưng công tác bảo đảm TTATGT còn diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT và vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Theo ông S, nguyên nhân dẫn đến số vụ TNGT trên địa bàn tăng cao trong thời gian qua, một phần là do ý thức của người tham gia giao thông; một số doanh nghiệp, chủ phương tiện còn hạn chế về ý thức dạo đức, nghề nghiệp vì chạy theo lợi nhuận, vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải.
|
|
Ý thức của người tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân khiến TNGT ở Lâm Đồng tăng cao thời gian vừa qua |
Bên cạnh đó, còn do các “điểm đen” TNGT chưa được giải quyết, khắc phục kịp thời; công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự vận tải, ATGT còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực tế, chưa được thường xuyên, liên tục; việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm TTATGT chưa đi vào thực chất...
Về nhiệm vụ trọng tâm các tháng còn lại của năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh phải thực hiện ngay các giải pháp cần thiết để hoàn thành mục tiêu giảm thiểu TNGT, đặc biệt là giảm thiểu số người chết từ 5-10%, giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017.
Tâm An