Xe chở đúng tải thì bị vẫy vào kiểm tra, còn xe quá tải vẫn ngang nhiên đi qua trạm. Ở đây có sự móc nối giữa “cò” với trạm cân để cố tình cân… nhầm. Thậm chí, lực lượng chức năng còn nhận tiền để làm ngơ cho xe quá tải vượt trạm cân.

 


Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị các chế tài phải thật mạnh đối với doanh nghiệp vận tải. “Phạt lũy tiến, phải phạt thật mạnh để doanh nghiệp không dám chở quá tải, phải phạt ngay từ đầu nguồn. Bên cạnh đó, phải phạt cả "ông" để lọt xe, phạt các lực lượng chức năng bỏ lọt cái xe quá tải đi cả nghìn cây số” - ông Thanh bày tỏ.

Sau hơn 2 tháng thực hiện kiểm tra tải trọng xe trên toàn quốc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ - đánh giá: Thời gian qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc, với những giải pháp mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Theo Thứ trưởng, không thể khẳng định bao nhiêu năm nữa sẽ hết xe quá tải, bởi đây là công việc phải làm thường xuyên liên tục, các nước phát triển và đang phát triển cũng luôn phải duy trì việc kiểm soát tải trọng xe thường xuyên.

Thứ trưởng cũng nêu lên thực tế kiểm soát tải trọng qua trạm cân là chủ yếu, trong khi đó với 300 nghìn km đường bộ thì số lượng trạm cân hiện nay là chưa thể đáp ứng. Các trạm cân mới chỉ chủ yếu đặt trên các tuyến quốc lộ, trong khi đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, và đường giao thông nông thông đến nay vẫn chưa kiểm soát được, mà những đường này nối trực tiếp ra quốc lộ... Để cân xe hiệu quả cần các giải pháp đồng bộ chứ không chỉ một vài giải pháp có thể giải quyết được.Vì thế cần phải có những nghiên cứu bổ sung các qui định để thay đổi về cơ chế, chế độ để người thực hiện được đảm bảo quyền lợi và rõ trách nhiệm.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các cơ quan của Bộ GTVT phải công bố rộng rãi các số điện thoại đường dây nóng để doanh nghiệp, người dân có thể liên hệ, phản ánh ngay tiêu cực góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm, ảnh hưởng tới chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong việc kiểm soát chặt tải trọng xe.


Theo Dân trí