Không thể phủ nhận lợi ích mà các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) tạo ra nhưng hệ lụy do các dự án này mang lại cũng đang làm dư luận bức xúc.

 


Phải minh bạch tất cả các khâu

Là nhà đầu tư tham gia nhiều dự án BOT giao thông, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tasco cho rằng, cần xem xét lại quá trình đầu tư các dự án BOT. Ông Phạm Quang Dũng nói: “Chúng ta đầu tư cùng lúc nhiều tuyến quốc lộ với mật độ hơi dày và người dân không có sự lựa chọn. Đường nào cũng “dính” vào BOT nên người dân rất bức xúc”. Cũng theo ông Phạm Quang Dũng, trong 5 năm qua, nhiều nhà thầu ở lĩnh vực xây dựng, bất động sản đã chuyển sang đầu tư BOT vì “không biết làm gì thì quay sang đầu tư BOT”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, cần rà soát và chọn lọc dự án BOT giao thông, không thể làm tràn lan như trước đây.

Đặc biệt, không thể để tình trạng trạm BOT vây kín các ngả đường và người dân bị dồn vào thế không có sự lựa chọn. Cùng với đó, phải tăng tính minh bạch trong đầu tư, thu phí và mức phí tại các trạm BOT. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho hay, chi phí đầu tư BOT của Việt Nam so với thế giới là cao. Do vậy, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - chủ đầu tư - người dân, nên tính đến việc giảm mức phí qua các trạm BOT và kéo dài thêm thời gian thu để nhà đầu tư hoàn vốn.

Khẳng định các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đã mang lại đột phá nhưng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, chất lượng một số công trình giao thông còn thấp, bị lún, nứt, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây bức xúc cho xã hội. Bên cạnh những nhà đầu tư có kinh nghiệm, vẫn có những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực BOT.

“Có thể nói, vừa qua có phong trào đầu tư BOT ở các tỉnh. Nhiều nhà đầu tư tính toán chưa chính xác, khối lượng thi công thực tế thấp hơn nhiều so với xác định ban đầu, làm tăng chi phí đầu vào, tăng thời gian thu phí, tăng mức phí đối với phương tiện. Có thể do trình độ năng lực, cũng có thể do cố ý, để lại bức xúc trong xã hội”, Phó Thủ tướng nhìn nhận. Phó Thủ tướng cũng phân tích, nguyên nhân dẫn tới bức xúc là do thiếu quy hoạch tổng thể hệ thống BOT, chưa xác định khoảng cách đặt trạm BOT hợp lý.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải tăng cường kiểm soát các dự án BOT, đảm bảo triển khai đúng quy trình, cân bằng lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư và đặc biệt là phải minh bạch từ khâu lựa chọn nhà thầu đến thu phí…

 

Theo An ninh thủ đô

.