Ngày 15/4, thông báo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, việc khắc phục sự cố hầm Bãi Gió sớm nhất cũng phải đến ngày 17/4 mới cơ bản thông hầm. Tuy nhiên đây mới là thời điểm dự kiến, có thể không khả thi bởi diễn biến sự cố rất phức tạp, sạt lở tiếp tục xảy ra và xuất hiện một lỗ hổng trên đỉnh hầm.

Trước đó vào lúc 12h45’ ngày 12/4, đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá từ trên đỉnh hầm của hầm Bãi Gió (Km 1231+100, Khu gian Đại Lãnh - Hảo Sơn), vị trí thuộc địa phận  xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Sự cố khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn từ ga Giã (tỉnh Khánh Hóa) tới ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).

Trước sự cố nghiêm trọng trên, ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, về đảm bảo an toàn, thông suốt trong quá trình khai thác đối với vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
 Sạt lở bên trong hầm Bãi Gió. Ảnh: baogiaothong

Hầm Bãi Gió được xây dựng từ thời Pháp với tuổi thọ đã hơn 100 năm, việc có nguy cơ xảy ra sạt lở hầm đã được nhận định, dự báo, đánh giá từ trước.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 85- Chủ đầu tư, các nhà thầu thi công và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) phối hợp, huy động các nguồn lực thi công xuyên đêm để khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên do Hầm Bãi Gió xuống cấp nghiêm trọng, điều kiện địa chất phức tạp, mặt bằng thi công hạn chế, đến nay mới khắc phục được vị trí sạt lở đầu tiên, chưa khắc phục xong vị trí sạt lở thứ 2.

Để đảm bảo an toàn, thông suốt trong quá trình khai thác đối với vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng GTVT khẩn trương chỉ đạo chủ đầu tư dự án và các cơ quan trực thuộc huy động tối đa tất cả các nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố sạt lở hầm Bãi Gió, khẩn trương thông tuyến trong thời gian sớm nhất; đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công, cũng như trong quá trình khắc phục sự cố;

leftcenterrightdel
 Sự cố khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn từ ga Giã (tỉnh Khánh Hóa) tới ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Ảnh: VT.

Chủ tịch UBND các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa phối hợp với VNR để bảo đảm các điều kiện an toàn về phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông trong quá trình thực hiện chuyển tải qua đoạn ách tắc do sự cố sạt lở hầm Bãi Gió;

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VNR phối hợp với chủ đầu tư dự án huy động lực lượng tại chỗ để khẩn trương khắc phục sự cố; bố trí phương tiện, cơ sở vật chất để phục vụ tốt cho nhân dân trong thời gian thực hiện chuyển tải.

Công điện cũng yêu cầu Bộ trưởng GTVT, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và các cơ quan liên quan chỉ đạo các đơn vị triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo về an toàn, tính mạng và tài sản.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/4, đoàn công tác Bộ GTVT đã đến hiện trường, chỉ đạo chủ đầu tư dự án, đơn vị tư vấn, nhà thầu và VNR tiến hành khảo sát tổng thể, trên cơ sở đó đưa ra phương án xử lý khắc phục sự cố sạt lở.

leftcenterrightdel
 Hành khách được 'tăng bo' bằng xe ô tô đoạn từ ga Giã (tỉnh Khánh Hóa) tới ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).Ảnh: VT.

Sau khi tiến hành khảo sát, phương án được đưa ra là khoan từ trên núi xuống vị trí đỉnh hầm rồi bơm bê tông vào để ổn định và tạo liên kết phần trên nóc hầm, chống sạt lở phát sinh. Tiếp theo khi bê tông đã đông kết sẽ tiến hành thu dọn đất đá bên trong hầm và gia cố bên trong hầm bằng dầm thép.

Theo lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và XD Công trình 3 và Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, sau khi bắt đầu xảy ra hiện tượng lở vào trưa ngày 12/4, từ chiều tối ngày 13/4, sạt lở đất đá tiếp tục phát sinh trở lại với khối lượng cả trăm mét khối khi đất của vụ sạt lở trưa ngày 12/4 vừa được dọn. Ngoài ra còn phát hiện một lỗ hổng phía trên đỉnh hầm.

Những ngày qua, xử lý tình huống, ngành Đường sắt đã bố trí ô tô “tăng bo” hành khách đi tàu, đoạn từ ga Giã, tỉnh Khánh Hóa tới ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và ngược lại.

Theo Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang, đến hết ngày 14/4, ngành Đường sắt đã tổ chức chuyển tải được 36 chuyến tàu với số lượng 10.122 hành khách.

PV