Hạ tầng giao thông là mắt xích quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều ý kiến cho rằng: Đường bộ, đường thủy, hàng không, cảng biển của vùng ĐBSCL chưa được đầu tư đồng bộ là trở lực rất lớn cho sự phát triển của vùng trong thời gian qua. Nhưng giờ đây, nút thắt giao thông đang dần được gỡ bỏ, ĐBSCL rồi sẽ trở mình mạnh mẽ từ những công trình giao thông trọng điểm quốc gia vừa thông xe, khởi công vừa qua.
Tại lễ thông xe cầu Cổ Chiên sáng 16-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các địa phương nhanh chóng rà soát quy hoạch, đề ra chính sách thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng địa phương, tận dụng lợi thế từ hạ tầng cơ sở mang lại để phát triển nhanh, bền vững. "Thời gian tới, Bộ GTVT cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương ĐBSCL trong thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông trọng điểm tại vùng. Các địa phương cần năng động, sáng tạo trong huy động các nguồn lực đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội; đặc biệt là hạ tầng giao thông"- Thủ tướng nhấn mạnh. Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, phấn khởi: "Lãnh đạo, quân dân tỉnh Bến Tre vui mừng đón giờ phút lịch sử thông xe cầu Cổ Chiên. Bản đồ giao thông cả nước tiếp tục xóa đi một bến phà. Cầu Cổ Chiên là mắt xích giao thương kinh tế- xã hội, văn hóa cả khu vực; rút ngắn khoảng cách hai địa phương Bến Tre - Trà Vinh và khoảng cách từ Trà Vinh đi TPHCM". Cầu Cổ Chiên hoàn thành vượt tiến độ 15 tháng so kế hoạch, chứng tỏ sự nỗ lực rất lớn của ngành GTVT cùng các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, góp phần kết nối các trục giao thông chính của vùng; đồng thời chia lửa cho tuyến QL 1A.
Kết nối giao thông tuyến quốc lộ
Ngày 17-5, tại huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) và TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Bộ GTVT làm lễ động thổ hai dự án: Dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo nâng cấp QL53 đoạn Long Hồ- Ba Si trên địa bàn hai tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh. Dự án nâng cấp tuyến QL30 đoạn từ Km1+200-Km34+230 qua địa bàn hai tỉnh Tiền Giang- Đồng Tháp. Cả hai dự án đều đầu tư theo hình thức BOT. QL53 có tổng chiều dài trên 172,2km là tuyến xương sống, huyết mạch nối Trà Vinh với QL1A nên có lưu lượng xe cũng như khối lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách lớn. Bộ GTVT phê duyệt dự án tại Quyết định số 1236/QĐ-BGTVT ngày 9-4-2015; nhà đầu tư là liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông - Công ty Cổ phần Xây lắp Cửu Long - Công ty Cổ phần Tùng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng Hà An. Dự án có quy mô cấp III đồng bằng (đoạn ngoài khu đô thị), vận tốc thiết kế 80km/h; dự kiến từ tháng 7-2017 sẽ thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 22 năm. Ban Quản lý dự án Thăng Long được Bộ GTVT giao làm đại diện Cơ quan nhà nước để thay mặt Bộ GTVT chỉ đạo, quản lý dự án. Tổng chiều dài dự án hơn 44,9km, với tổng mức đầu tư trên 1.222,3 tỉ đồng do Ngân hàng SHB thu xếp và tài trợ vốn cho dự án. Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông, cho biết: "Đây là trục ngang nối với QL 1A, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của Vĩnh Long và Trà Vinh. Do đó, nhà đầu tư mong muốn Bộ GTVT, địa phương hỗ trợ để dự án hoàn thành đúng tiến độ".
Dự án nâng cấp tuyến QL30 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25-2-2013, Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giao Ban Quản lý dự án 7 làm đại diện chủ đầu tư. Dự án có điểm đầu từ Km1-200 (kết nối với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối Km34+230 thuộc địa phận TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; chiều dài toàn tuyến gần 33km; quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án đoạn Km1+200- Km26+000 theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h; đoạn Km26+000-Km34+230 theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, vận tốc thiết kế 60km/h. Theo kế hoạch của Bộ GTVT dự án sẽ hoàn thành trong 18 tháng thi công (quý IV/2016 dự kiến hoàn thành), với tổng mức đầu tư 1.130 tỉ đồng, được nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, những dự án này nhằm giảm áp lực lưu thông, giảm tai nạn giao thông; phù hợp với định hướng phát triển GTVT cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: "GTVT là ngành kinh tế đặc biệt, là mạch máu của nền kinh tế. Hạ tầng giao thông thời gian qua đã góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế- xã hội cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, vốn ODA khó khăn nên Chính phủ đã chỉ đạo tập trung huy động theo hình thức BOT. Chỉ riêng 2-3 năm qua, ngành GTVT đã huy động trên 250 ngàn tỉ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng GTVT tại vùng ĐBSCL". Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, tháng 10 tới sẽ thông xe cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ, năm 2017 lần lượt khánh thành cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh… sẽ rút ngắn khoảng cách địa lý của các địa phương trong vùng. Cùng với hàng loạt các công trình đã và chuẩn bị khởi công sẽ kết nối các địa phương như: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và sau này sẽ khởi công cầu Đại Ngãi để hoàn chỉnh tuyến hành lang ven biển phía Đông ĐBSCL kết nối thông suốt đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Theo Báo Cần Thơ