Sự vô cảm của Jetstar
“Đến giờ lên máy bay, ai cũng vội vã, chen lấn, em tôi bận hai tay xách 2 túi hành lý, không dìu được con, từ dưới đất, cháu bé phải bò từng bậc thang để lên máy bay, thế mà tất cả nhân viên hàng không có mặt và hành khách đi cùng không một ai hỗ trợ cháu”, người khiếu nại cho biết. Bà và người thân hiểu mỗi hành khách đi cùng đều mệt mỏi sau mấy giờ đồng hồ chờ đợi, nhưng nhân viên hàng không Jetstar thì sao?
“Hình ảnh một đứa trẻ chân bó bột khó nhọc, chậm chạp, nâng chân bò từng bậc thang để lên máy bay có lẽ chưa đủ để động lòng những nhân viên hãng hàng không Jetstar hay sao?” Người mẹ ngậm ngùi khi kể lại sự việc.
“Ngược đãi” hành khách
Thời điểm máy bay hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng đã gần 7h tối, mất gần một tiếng đồng hồ để xếp hàng chờ Jetstar bồi thường 150.000 đồng/người vì thay đổi chặng, lúc này hành khách muốn ngược về Chu Lai buộc phải bỏ ra khoản tiền hơn 1 triệu đồng để đi taxi (quãng đường từ Đà Nẵng vào Chu Lai khoảng 90 km); hoặc phải thuê khách sạn nghỉ lại qua đêm, chờ trời sáng. Đặc biệt, chuyến bay này số lượng hành khách về Quảng Ngãi là chủ yếu, đoạn đường từ Đà Nẵng về Quảng Ngãi còn xa hơn nhiều lần so với quãng đường về Núi Thành của người khiếu nại. Theo bà, lúc này mọi người đã bơ phờ, mệt mỏi nhưng cũng không cầm được mà la ó, thậm chí văng tục chửi vì sự “ngược đãi” của Jetstar.
“Chúng tôi không chấp nhận với lý do Jetstar đưa ra, nếu nói sân bay đóng cửa vậy tại sao Jetstar còn bán vé cho hành khách? Nếu Jetstar đã bán vé cho hành khách thì phải có trách nhiệm chứ không thể chờ “nhốt” hành khách trên máy bay rồi mới thông báo, hành khách không có quyền lựa chọn”, người khiếu nại bức xúc.
“Trong điều kiện bình thường, không có chuyện sân bay đóng cửa một cách đột ngột như thế. Nếu phải đóng cửa, sân bay sẽ thông báo trước cho các hãng bay để không bán vé cho hành khách hoặc sắp xếp chuyến bay phù hợp để hành khách chủ động có lựa chọn tiếp tục hành trình hay không”, ông N.V.K (Q.7, TP.HCM), một hành khách khác của Jetstar lên tiếng khi ông cũng đang khiếu nại với Báo Người Tiêu Dùng về thái độ coi thường hành khách của hãng hàng không này.
“Tôi thì ở chiều ngược lại, từ Quảng Nam, tôi mua vé bay từ sân bay Chu Lai vào TP.HCM, nhưng khoảng 1 tiếng trước giờ khởi hành, tôi mới nhận được thông báo thay đổi chặng bay thành Đà Nẵng - TP.HCM, có nghĩa là tôi phải ra Đà Nẵng để lên máy bay thay vì Chu Lai, với lý do thời tiết xấu”, ông N.V.K cho biết.
Cũng theo ông N.V.K, Jetstar hơi “ác” khi ép hành khách chạy từ Chu Lai ra Đà Nẵng trong vòng 1 giờ đồng hồ. Để kịp chuyến bay, hành khách không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ ra cả triệu đồng để thuê taxi “tốc hành” hoặc là bỏ chuyến.
Trao đổi với Báo Người Tiêu Dùng, người khiếu nại đều có chung quan điểm: Việc chậm chuyến, hoãn chuyến ở Jetstar là chuyện thường ngày, mọi người quá quen với điều đó đâm ra nói thế chứ có nói nữa thì Jetstar cũng đã nhờn rồi. Nhưng, đơn phương thay đổi lộ trình là việc làm không thể nào chấp nhận được. Không phải Jetstar không hiểu, trước khi mua vé, hành khách đã tính toán đến những lợi - hại về kinh tế, khoảng cách và thời gian, phương tiện di chuyển cũng như lịch trình công việc… Nhưng những tổn thất này, Jetstar hoàn toàn đổ lên đầu hành khách.
Có thể các chuyến bay của Jetstar không đủ số lượng hành khách như mong muốn của hãng, nên, thay vì chịu thất thu hãng hàng không này đã chọn cách dồn chuyến, dồn khách. Đó là suy đoán chung của những người khiếu nại và nhiều khách hàng từng bị Jetstar tự ý “hành - xử”.
Bao giờ các hãng hàng không còn được “úm” trong những quy định có lợi cho ngành thì hành khách vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.
Theo Báo Người tiêu dùng