Sau nhiều năm tìm các giải pháp hạn chế xe cá nhân chưa mang lại hiệu quả, thành phố Hà Nội vừa “quyết” trong năm 2016 phải đưa ra được phương án hạn chế xe cá nhân.
 


Cơ quan được thành phố Hà Nội giao vạch phương án là Sở GTVT cũng bắt đầu khởi động nhiệm vụ trên.

Tăng phí, hạn chế lưu thông

Sau khi kết thúc mục tiêu, chương trình giảm ùn tắc giao thông trên địa thành phố giai đoạn 2012 - 2015 nhưng chưa thực hiện được phương án hạn chế xe cá nhân, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục đưa ra mục tiêu, chương trình 2016 - 2020. Theo đó, cùng với từng bước “xóa” hơn 50 điểm ùn tắc còn lại, 5 năm tới, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện phương án hạn xe cá nhân.

Tổng kinh phí được chi cho giai đoạn này là hơn 2.100 tỷ đồng. Với việc hạn chế xe cá nhân, thành phố Hà Nội nêu rõ, ngay trong năm 2016, các sở ngành có liên quan phải lập ra được đề án, tổng mức chi cho việc này là 700 triệu đồng.

Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho hay, sở dĩ phải tổ chức lập đề án là nhằm xác định rõ lộ trình, giải pháp thực hiện. Theo đại diện UBND thành phố Hà Nội, hiện kết cấu hạ tầng phát triển không theo kịp với tốc độ tăng quá nhanh của phương tiện cá nhân, điều này đã gây ùn tắc giao thông kéo dài thời gian qua.

Do vậy, việc lập đề án hạn chế xe cá nhân là để khắc phục tình trạng trên. Sở GTVT là một trong các cơ quan thường trực được thành phố giao tham mưu để lập đề án.

Trao đổi với PV về vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi chương trình giảm thiểu ùn tắc giai đoạn 2016 – 2020 được lập xong, và HĐND thành phố thông qua, Hà Nội sẽ xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân. Đề án này liên quan đến nhiều người nên Thành phố phải có tờ trình Chính phủ. Bao giờ Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì lãnh đạo thành phố Hà Nội mới giao cho Sở GTVT triển khai.

“Tôi cho rằng, khâu yếu nhất và cũng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến ùn tắc giao thông ở Hà Nội chính là quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Nếu vẫn cứ để xảy ra tình trạng nhà máy, xí nghiệp di dời đến đâu, chung cư mọc lên thay thế đến đó thì giải pháp hạn chế xe cá nhân cuối cùng cũng chỉ “gây khó” cho dân chứ không đạt được hiệu quả trong việc chống ùn tắc”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Tuy nhiên, nói về kế hoạch triển khai chương trình, mục tiêu giảm ùn tắc 5 năm tới, trong đó có giảm lượng xe cá nhân mà Sở GTVT là đơn vị được giao thực hiện, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, các phương án hạn chế xe cá nhân đang được Sở GTVT thảo luận.

“Khác với các dự thảo mà các bộ, ngành đã xây dựng trước đây, Hà Nội sẽ không thực hiện việc cấm mua phương tiện, vì đó là quyền của công dân. Thay vào đó, Hà Nội sẽ xem xét hạn chế bằng cách không cho đi vào từng khu vực, tuyến phố; thậm chí là kiểm soát chặt việc đăng ký sử dụng xe mới”, đại diện Sở GTVT nêu phương hướng.

Cùng với đó, đại diện Sở GTVT cũng cho biết, thành phố sẽ có các hình thức chế tài đủ mạnh, như thủ tục sở hữu xe nghiêm ngặt, phí dịch vụ cao… Ví như để đăng ký được biển số xe máy, chủ sở hữu phải đáp ứng được các điều kiện kèm theo; ô tô ngoại thành để vào được nội đô phải qua bao nhiêu trạm phí “lưu hành nội thành”.

Tiếp đến là giá trông giữ xe đắt đỏ, nhiều tuyến đường bị hạn chế xe cá nhân lưu thông… Như vậy, để vào được khu vực trung tâm thành phố, ngoài mất nhiều tiền, chủ phương tiện còn cảm thấy phiền phức khi đi xe cá nhân.

Thế giới làm được, sao Hà Nội lại không?

Đề cập việc Hà Nội khởi động nghiên cứu Đề án hạn chế phương tiện cá nhân, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, đây là việc hết sức cần thiết. “Đến thời điểm này, tôi nghĩ việc xây dựng Đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cấp bách rồi, đáng ra, chúng ta phải làm lâu lắm rồi, để đến bây giờ mới bắt tay làm thì cũng muộn.

Nói thật, chúng ta có “tật” là cứ bàn đi, bàn lại, khi thảo luận thì hăng hái lắm nhưng đến lúc đưa ra quyết định thì chẳng ai dám quyết. Cái đó là rất dở, cần có cán bộ dũng cảm, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, khi thực hiện việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên việc công bố giải pháp và lộ trình thực hiện sớm lúc nào tốt lúc đấy. Có như thế thì doanh nghiệp và người dân mới lên được phương án để thích nghi.

Công bố sớm lộ trình cũng là biện pháp để tạo “sức ép” đến các cơ quan quản lý trong việc làm tốt quy hoạch xây dựng, di dời công sở, cũng như triển khai các phương thức vận tải công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc siết hạn chế đăng ký xe, thu phí đối với xe vào nội đô khó mà thực hiện được hiệu quả. Bởi nó không phù hợp với đặc thù giao thông đô thị của Việt Nam.

“Chúng ta đừng thấy cứ cái gì các nước trên thế giới làm được là học theo và làm ngay. Bởi đặc thù của Việt Nam khác rất xa so với các nước”, ông Hùng nói.

Trái lại, ông Thanh cho rằng, việc hạn chế bằng cách thu phí phương tiện vào nội đô và kiểm soát việc đăng ký xe mới theo giới hạn là việc làm cần thiết. Bởi vài năm tới, xe hơi ở Việt Nam sẽ rất rẻ, 200- 300 triệu đồng là mua được xe rồi nên nếu không “phanh” lại thì chắc chắn đường phố Hà Nội sẽ lâm vào cảnh “kẹt cứng” hết đường để đi.

“Tại sao Singapore đất nước tự do hiện đại thế mà người ta làm được, còn chúng ta lại không? Chúng ta cứ thấy dư luận phản ứng rồi “xịt” ngay lại thì rất khó mà thực hiện được”, ông Thanh nói.

Thừa nhận việc hạn chế phương tiện cá nhân đến thời điểm nào đó bắt buộc phải thực hiện song ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, muốn làm được điều đó một cách hiệu quả thì trước hết phải xem xét bài toán tổng thể về giao thông đô thị, từ khâu quy hoạch cho đến khâu xây dựng hạ tầng./.
 

Theo Tiền Phong

.