Ô tô sẽ chỉ được hoạt động theo giờ trên một số tuyến đường giờ cao điểm và sẽ mất phí; việc dừng đỗ ô tô sẽ được thực hiện theo ngày chẵn, lẻ; sẽ có khu vực hạn chế lưu thông ô tô và xe máy. Thậm chí, sẽ có giải pháp kinh tế để hạn chế lượng phương tiện cá nhân gia tăng quá nhanh hiện nay.
Đặc biệt, cần quy định cụ thể về mức tăng số lượng phương tiện ô tô xe máy hàng năm cho các giai đoạn 2016-2020, 2021-2025, 2026-2030 cho từng khu vực, tập trung làm cho các quận nội đô; tổ chức dừng hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực đối với xe ô tô con cá nhân, một số khu vực theo lộ trình cho phép ô tô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí; tổ chức đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ với các tuyến phố cụ thể ở khu vực trung tâm thành phố.
Ngoài ra, sẽ nghiên cứu tổ chức các khu vực hạn chế lưu thông đối với xe ô tô con và xe máy, tiến dần đến dừng hoạt động trên một số trục chính và một số khu vực trong vành đai 3.
Liên quan đến giải pháp tổ chức giao thông, Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng, cần đẩy mạnh việc phân luồng, phân làn, quy định thời gian hoạt động của phương tiện tham gia giao thông theo các tuyến đường; thí điểm hạn chế hoạt động của ô tô, xe máy tại các tuyến đường, khu vực có phương tiện vận tải công cộng hoạt động tốt. Bên cạnh đó, cần giảm dần việc cấp phép trông giữ ô tô, xe máy…
Không những vậy, Đề án của Viện Chiến lược và phát triển GTVT cũng đưa ra một số giải pháp về kinh tế như xây dựng khung giá dịch vụ trông giữ phương tiện cá nhân theo hướng tăng lũy tiến theo thời gian và theo khu vực. Thậm chí, có thể nghiên cứu, đề xuất tăng lệ phí trước bạ đối với ô tô con đăng ký lần đầu; tổ chức thu phí xe ô tô vào khu vực nội đô giờ cao điểm, lấy vành đai 2 là vành đai nghiên cứu để tổ chức thu phí khu vực 4 quận nội thành.
Ùn tắc không phân biệt khung giờ
Số liệu từ Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho thấy, năm 2015 trên địa bàn TP Hà Nội có xấp xỉ 550.000 xe ô tô các loại, trong đó gần 370.000 ô tô con, và hơn 5 triệu xe máy và hơn 10,6 triệu xe máy điện. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2015 của ô tô các loại tăng gần 13%/năm (ô tô con tăng 16,1%/năm), xe máy tăng 7,6%/năm.
Cũng giai đoạn này, hạ tầng giao thông được đầu tư với hơn 1.100 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 2.000km. Về giao thông tĩnh, có 568 điểm trông giữ phương tiện với diện tích 152.000m2... Diện tích đất dành cho giao thong tăng bình quân 0,3-0,5%/năm.
Ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm phát triển giao thông đô thị, Viện Chiến lược và phát triển GTVT nhìn nhận, với mức tăng 3,9%/năm về chiều dài và 0,25% về diện tích mặt đường, trong khi tốc độ tăng trưởng của xe máy gấp 2 lần, ô tô con gấp 4,3 lần thì càng ngày, càng tạo áp lực lớn cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và dẫn đến các hệ lụy như ùn tắc giao thông thường xuyên, vào mọi khung giờ.
Với tốc độ tăng trưởng của phương tiện cá nhân như hiện nay, ông Phạm Hoài Chung cho rằng, cần có các biện pháp quản lý sự gia tăng của phương tiện cá nhân ngay trước khi quá muộn.
Theo số liệu nghiên cứu, với xu thế tăng trưởng tự nhiên như hiện nay thì đến năm 2020, Hà Nội sẽ có xấp xỉ 940.000 ô tô, và 6,2 triệu xe máy. Đến năm 2025, sẽ có 1,3 triệu ô tô, và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 có 1,7 triệu ô tô và 7,7 triệu xe máy. Trong khi đó, việc chiếm dụng mặt đường hiện đến 85,8% do xe máy và ô tô trong đó, ô tô chiếm 42,18% và xe máy chiếm 43,6%.
“Hệ thống đường bộ đô thị khu vực nội đô đang quá tải, không đáp ứng tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân”, ông Phạm Hoài Chung đánh giá.
Theo Hải Dương/ANTD.VN