Theo thống kê của Đội Cảnh sát giao thông số 1, Công an TP Hà Nội, từ ngày 15/12/2022 đến 22/2/2023, tức từ 22 tháng Chạp Tết Quý Mão 2023, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 531 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Trong đó, 126 lái xe ô tô con; 1 ô tô khách; 401 mô tô, xe máy; 1 xe máy điện và 2 xe đạp điện; phạt tổng số tiền trên 4,3 tỉ đồng; tạm giữ 531 phương tiện, tước Giấy phép lái xe 253 trường hợp.
Đáng chú ý, có tới 101 trường hợp ghi nhận vượt quá mức kịch khung - 0,4mg/lít khí thở và 7 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn. Số trường hợp vi phạm trên 0,4mg/lít khí thở rơi vào thời điểm sát Tết, các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, hội họp tổ chức ăn uống tất niên.
Đối với 7 trường hợp không chấp hành đều rơi vào số lái xe khi bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn thì xuống xe bỏ đi. Dù không có thái độ, hành vi chống đối người thi hành công vụ, song, việc không chấp hành yêu cầu của lực lượng làm nhiệm vụ cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất là 35 triệu đồng với lái xe ô tô, 7 triệu đồng với xe máy.
|
|
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
|
Theo đánh giá của đơn vị, sau Tết, tình trạng vi phạm liên quan đến nồng độ cồn giảm rõ rệt. Thậm chí, có những ca làm việc, cán bộ, chiến sĩ kiểm tra từ 500-600 trường hợp nhưng không phát hiện vi phạm nào. Đây có lẽ là tín hiệu đáng mừng, cho thấy ý thức, trách nhiệm của người dân được nâng lên sau một thời gian lực lượng Công an triển khai Kế hoạch của Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông một cách quyết liệt.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng chấp hành chiếu lệ, đồng thời nhằm mục tiêu thay đổi hoàn toàn tư duy, thói quen của người dân về việc chấp hành, thực hiện nghiêm khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, thời gian qua, Đội Cảnh sát giao thông số 1 vẫn duy trì các tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn với các lái xe.
Cán bộ, chiến sĩ được bố trí cắm chốt vào khung giờ từ 12-16h và từ 19h-23h. Sau 23h, đơn vị bố trí 1 tổ tuần tra lưu động nhằm phát hiện các trường hợp điều khiển phương tiện có biểu hiện vi phạm nồng độ cồn, mặt khác cũng xử lý các vi phạm giao thông khác và phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc liên quan đến phạm pháp hình sự.
Bên cạnh đó, tình trạng gọi điện thoại can thiệp, “xin xỏ”, tác động đến quá trình làm nhiệm vụ xử lý vi phạm, đặc biệt về nồng độ cồn là không còn nữa.
Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, giải pháp đã mang lại hiệu quả tích cực, hạn chế tối đa các vụ va chạm, tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia, đồ uống có cồn hay các chất kích thích. Việc tăng cường kiểm tra, xử lý còn mang ý nghĩa tuyên truyền thiết thực bằng hình ảnh trực quan. Cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông, báo chí, đã mang đến thông điệp cho mỗi người - không uống rượu, bia khi tham gia giao thông là bảo vệ an toàn tính mạng cho bản thân và những người xung quanh.