(BVPL) - Sau 5 lần tăng và 1 lần giảm giá liên tiếp, mỗi lít xăng đã tăng thêm tổng cộng gần 2.500 đồng/lít. Thời điểm này, rất nhiều hãng xe khách, taxi và xe đầu kéo cũng đã tính toán đến việc tăng giá cước vận tải. Tuy nhiên, họ vẫn ngại dư luận phản ứng và áp lực cạnh tranh cũng đang rất lớn.
 


Theo khảo sát của phóng viên, thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà xe và hãng taxi vẫn chưa điều chỉnh tăng mức giá cước. Tại các bến xe với các hãng xe khách lớn tại Hà Nội như Lương Yên, Giáp Bát, Mỹ Đình, nhiều hành khách cho biết giá cước vận tải hiện ở mức “rất dễ chịu”.

Nhiều đơn vị vận tải cho biết, họ ngại điều chỉnh vì vừa mất công lắp đặt lại đồng hồ, mất chi phí kê khai. Bởi từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã “nhảy múa” đến 6 lần, nếu cước taxi cũng chạy đua theo giá xăng thì riêng việc điều chỉnh đồng hồ, niêm phong đã tốn bạc tỉ.

Một lái xe taxi trên địa bàn Hà Nội cho biết, trung bình mỗi xe chạy 10 lít xăng được 100 km, vị chi số tiền bù thêm vào của tài xế là 10.000 – 15.000 đồng/100km, như vậy mỗi tháng bù thêm từ 1 – 1,5 triệu đồng. Số tiền đó thì tạm thời có thể gánh được nhưng nếu giá xăng vẫn tiếp tục tăng nữa thì chắc chắn sẽ phải đề xuất tăng giá cước. Nhiều hãng taxi cho biết cũng định đề xuất tăng giá cước thêm từ 500 – 900 đồng/km nhưng ngại khách hàng và dư luận, thêm vào đó thời điểm này sức cạnh tranh cũng đang gay gắt.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết: trong giai đoạn vừa rồi, giá xăng đã tăng nhiều lần nhưng giá taxi vẫn “đứng yên”. Do vậy, lần này chắc chắn giá cước sẽ tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn thăm dò động thái của nhau. Đại diện hãng taxi Mai Linh thừa nhận cũng muốn tăng giá cước để có thêm thu nhập cho tài xế nhưng phải thực hiện theo chỉ đạo của Hiệp hội Taxi.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cước vận tải chắc chắn sẽ phải tăng, tuy nhiên doanh nghiệp đang cân đối tăng như thế nào cho phù hợp. Hiện nay, các doanh nghiệp đều muốn tăng cước vận tải nhưng còn nhiều trở ngại, chưa kể một số cơ quan quản lý can thiệp rất lớn vào giá cước. Theo ông Thanh, ngành vận tải hàng hóa rất đặc thù, không giống như ngành taxi hay vận tải hành khách. Giá cước vận tải hàng hóa ngoài phụ thuộc vào tiền xăng dầu còn có phí đường bộ và các loại phí khác. Ngoài ra, thị trường vận tải hoạt động theo nhu cầu của chủ hàng, hiện cung đã vượt cầu nên rất nhiều xe container và xe tải cạnh tranh nhau một cách khốc liệt.

Đây là thời điểm giữa năm, các đơn hàng đã được đặt trước và duy trì ổn định, nên giá xăng tăng giảm cũng không ảnh hưởng nhiều. Thêm vào đó, doanh nghiệp muốn duy trì giá ổn định để đơn giản trong hạch toán. Chứ mỗi lần tăng giảm lại điều chỉnh vừa mất chi phí, lại làm phức tạp hóa sổ sách kế toán. Tuy nhiên, nếu giá xăng được điều chỉnh giá ở mức trên 17.000 đồng/lít thì việc tăng giá cước là điều bắt buộc.

“Đội giá” nếu tăng thuế nhập khẩu xe đầu kéo

Mới đây, Bộ Tài chính dự định sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với ô tô đầu kéo đã qua sử dụng từ 5% lên 30%. Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị đã kiến nghị không tăng thuế nhập khẩu. Bởi hiện tại, phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là ô tô đầu kéo các loại, trong đó xe ô tô đầu kéo có xuất xứ Mỹ chiếm tỷ lệ lớn. Chủ yếu xe đầu kéo Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam là xe đã qua sử dụng vì xe đầu kéo chưa sử dụng có giá thành rất cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế và kinh doanh vận tải trong nước.

Là một trong những địa phương có lượng phương tiện ô tô đầu kéo lớn nhất cả nước, mới đây, Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đã đề xuất Bộ Tài chính không tăng thuế nhập khẩu. Bởi lẽ, nếu Bộ Tài chính và các bộ ngành thông qua việc tăng thuế sẽ đẩy giá xe đầu kéo lên cao thì vô hình chung giá của mặt hàng này sẽ đội lên rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Đồng thời, đẩy giá cước vận tải lên cao sẽ gây tổn thất rất lớn cho người tiêu dùng.

Thời gian qua, giá xăng tăng liên tục là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng đáng kể. Trong tháng 5, nhóm giao thông có mức tăng mạnh nhất trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,15% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,21%. Cùng với giá cước vận tải thì nhiều loại hàng hóa tiêu dùng được dự báo cũng sẽ tăng giá trong thời gian tới. Giá xăng tăng chắc chắn sẽ tác động đến hàng hoá nhưng nhiều hay ít thì còn phụ thuộc vào hàng hóa có bán chạy hay không.
 

Phương Trang

.