Theo Phòng CSGT, thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện một loại xe môtô được gọi là “cào cào bay” với kích thước nhỏ hơn xe môtô thông thường nhưng có tốc độ tương đương. Những chiếc xe này hầu hết là xe không rõ nguồn gốc, xuất xứ được nhập lậu hoặc tự lắp ráp, “độ chế” từ các linh kiện, phụ tùng không nhãn mác.

leftcenterrightdel
 CSGT cảnh báo nguy hiểm từ những chiếc “cào cào bay” không rõ nguồn gốc. (Ảnh minh hoạ)

Với hình dáng “độc lạ”, kích thước nhỏ gọn nhưng đạt tốc độ cao, những chiếc xe này đang là “thú chơi” mới được săn tìm bởi những người đam mê tốc độ. Thậm chí, một số người để cho con, em mình là những bạn trẻ ở lứa tuổi học sinh điều khiển để tham gia giao thông trên đường mà không nhận ra mối nguy hiểm đang rình rập từ việc sử dụng những chiếc xe này.

Xe môtô là phương tiện giao thông vận tải cơ giới do đó, được xem là nguồn nguy hiểm cao độ. Một chiếc xe môtô phải được sản xuất, lắp ráp đúng quy chuẩn và thông qua kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi được xuất xưởng. Đây là một quá trình nghiêm ngặt nhằm đảm bảo tính an toàn cho người tham gia giao thông trong quá trình chiếc xe được sử dụng lưu thông trên đường.

Trong khi đó, những chiếc xe “cào cào bay” được nhập lậu hoặc tự lắp ráp, “độ chế” tại các “lò độ” thường được chắp nối từ các phụ tùng, linh kiện trôi nổi, không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra hư hỏng, sự cố bất ngờ trong quá trình xe lưu thông; gây ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện, người ngồi trên xe và những người tham gia giao thông khác.

Bên cạnh đó, những chiếc xe “cào cào” có kích thước nhỏ, thấp hơn các xe môtô thông thường nên dễ rơi vào vị trí điểm mù của các loại xe ôtô. Mặt khác, về phía người điều khiển phương tiện, khi lái xe thường có thói quen lạng lách, đánh võng, nẹt pô,… gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông,…

Mặc dù những chiếc xe “cào cào” mang đầy rủi ro cho người sử dụng nhưng một số người bán vẫn vì lợi nhuận mà sản xuất trái phép những chiếc xe này.

Việc sản xuất, lắp ráp hoặc điều khiển các loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông là hành vi vi phạm pháp luật. Để đảm bảo an toàn giao thông, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức của bản thân, không tự ý sản xuất, lắp ráp, mua bán, sử dụng các loại phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Hiện nay, mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu phương tiện sản xuất, lắp ráp trái phép và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính. (Căn cứ Khoản 2, 3, 4 Điều 29 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Đối với người điều khiển phương tiện, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. (Căn cứ điểm b Khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại điểm n Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. (Căn cứ điểm d Khoản 4 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Đại Lánh