Vừa qua, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với 27 dự án đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT từ năm 2011-2016 đã được đoàn giám sát của UB Thường vụ Quốc hội xem xét.

 


Điển hình như dự án QL1 Khánh Hòa, tăng 179 tỷ đồng; Dự án quốc lộ Quảng Nam, tăng 126 tỷ đồng; Quốc lộ Cần Thơ – Phụng Hiệp tăng 26 tỷ đồng… Một số dự án tăng tổng vốn lên 100%, như dự án cải tạo nâng cấp QL18 Uông Bí – Hạ Long, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 1.318 tỷ lên 2.838 tỷ đồng; Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tăng từ 24.567 tỷ đồng lên 45.522 tỷ đồng... Quá trình kiểm toán cho thấy, các dự án đều tồn tại, sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá. Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.358 tỷ đồng. Sau khi rà soát các chỉ tiêu đầu vào, tính toán lại phương án tài chính sát thực tế, phù hợp quy định, kiểm toán nhà nước đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu.

Trong số liệu vừa được Tổng cục Đường bộ báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải về kết quả kiểm tra, giám sát việc thu phí đối với trạm thu phí Km152+080 QL1 Dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang cho thấy, tính bình quân trong 10 ngày khảo sát, số tiền thu về thực tế cao hơn 84 triệu đồng mỗi ngày so với con số báo cáo.

Tương tự, tại trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ, sau 10 ngày kiểm tra đột xuất Tổng cục đường bộ xác định, tổng thu thực tế vé lượt qua trạm BOT là trên 17,5 tỉ đồng, trong đó có ngày là 2 tỷ đồng. Con số này còn cao hơn nếu tính số cả thu vé tháng 7 (5,1 tỉ đồng) và số thu vé quý III (5,7 tỉ đồng) do công ty BOT Pháp Vân Cầu Giẽ đã thu trước đó. Tính trung bình, mức thu phí qua trạm BOT này lên tới gần 2 tỉ đồng/ngày cao hơn nhiều so với con số 1,2 tỷ đồng mà đơn vị đầu tư tiết lộ hồi tháng 5 năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cho biết để có thể minh bạch hóa được việc thu chi, nên nhanh chóng chuyển thành thu phí không dừng, tức là các nhà xe nộp tiền vào tài khoản ngân hàng và thanh toán thông qua quẹt thẻ.

Ông Thanh cũng không quá ngạc nhiên trước những con số chênh lệch. Ông cho biết: “Khi đấu thầu dự án BOT, thì phải có đề án nêu rõ tổng mức đầu tư là bao nhiêu, mức thu như thế nào, thời hạn thu ra sao. Sau khi dự án làm xong và đi vào thu phí, các cơ quan quản lý phải có nhiệm vụ thanh tra rà soát lại, xem tổng mức đầu tư dự tính có đúng không. Từ đấy mới tính mức thu như thế nào, thời gian thu như thế nào rồi lộ trình tăng phí như thế nào là phù hợp...”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, trong quá trình các đơn vị tiến hành thu phí, các cơ quan nhà nước phải thường xuyên thực hiện trách nhiệm quản lý của mình, bởi tất cả các tính toán chỉ là thông tin cơ sở ban đầu, có thể không chính xác. “Biết đâu tính toán như thế này, nhưng lượng xe phát triển nhanh thì phải kịp thời điều chỉnh, chứ không phải cứ ký hợp đồng rồi thì muốn làm gì thì làm. Tôi xin nhắc lại, đường này là đường của nhà nước, không phải đường của 3 nhà đầu tư. Nhà nước phải giám sát chứ, cơ quan quản lý phải giám sát chứ”, ông Thanh nhấn mạnh.
 

Theo Quang Thành/Công lý

.