Báo Anh: Việt Nam là thị trường hàng không đầy hấp dẫn với ANA
Cập nhật lúc 23:44, Thứ năm, 14/01/2016 (GMT+7)
Theo bình luận hôm 13/1 của tờ Thời báo Tài chính (Anh), việc ký kết biên bản ghi nhớ với Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa qua sẽ giúp tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) đẩy nhanh hơn nữa kế hoạch đầu tư vào thị trường hàng không đang phát triển mạnh ở khu vực Đông Nam Á và quyết định này cũng chứng tỏ Việt Nam là một thị trường hàng không đầy hấp dẫn đối với tập đoàn Nhật Bản. (Việt Nam, thị trường, hàng không)
Theo bình luận hôm 13/1 của tờ Thời báo Tài chính (Anh), việc ký kết biên bản ghi nhớ với Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa qua sẽ giúp tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) đẩy nhanh hơn nữa kế hoạch đầu tư vào thị trường hàng không đang phát triển mạnh ở khu vực Đông Nam Á và quyết định này cũng chứng tỏ Việt Nam là một thị trường hàng không đầy hấp dẫn đối với tập đoàn Nhật Bản.
|
Máy bay của Vietnam Airlines chuẩn bị cất cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài ( Hà Nội ). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ, tập đoàn ANA sẽ mua 8,8% cổ phần của Vietnam Airlines với giá trị 2.431 tỷ đồng (tương đương khoảng 108 triệu USD) để có thể trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines.
ANA và Vietnam Airlines sẽ cùng thực hiện các chuyến bay liên danh trên những tuyến đường cụ thể nối Việt Nam và Tokyo. Như vậy, mỗi hãng đều có thể mở rộng mạng lưới của mình nhờ vào việc bán vé của hãng kia.
Thỏa thuận hợp tác cũng sẽ giúp Vietnam Airlines và ANA giảm thiểu chi phí bằng cách phối hợp hoạt động trong việc bảo trì, bảo dưỡng tàu bay, cung cấp suất ăn trên máy bay, làm thủ tục check-in và một số dịch vụ mặt đất khác... ANA có quyền cử đại diện tham gia Hội đồng Quản trị của Vietnam Airlines.
Hiện các công ty của Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất-kinh doanh tại Việt Nam nhằm giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Theo Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản, trong khoảng thời gian từ năm 2011-2014, vốn đầu tư trực tiếp của giới doanh nghiệp nước này đổ vào thị trường Việt Nam tăng gấp ba lần so với bốn năm trước đó, và đạt khoảng 9 tỷ USD và Việt Nam được coi là một thị trường hàng không đầy hấp dẫn trong chiến lược mở rộng hoạt động ra toàn cầu mà tập đoàn ANA đang theo đuổi.
Kể từ năm 2010, ANA đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động ra toàn cầu. Để thúc đẩy kế hoạch này, ANA đã ký thỏa thuận mua ba máy bay A380 của hãng Airbus. Đây là loại máy bay dân dụng chở khách lớn nhất hiện nay trên thế giới. ANA cũng đã đặt hàng mua máy bay 787 Dreamliner của hãng Boeing. Năm 2012, ANA đã thu về 170 tỷ yen (tương đương 1,4 tỷ USD) sau khi phát hành cổ phiếu.
Suốt thời gian vừa qua, ANA vẫn nỗ lực tìm kiếm một đối tác hàng không ở khu vực Đông Nam Á để tiến hành đầu tư. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải không ít khó khăn và thách thức. Năm 2014, ANA đã phải từ bỏ thương vụ mua 49% cổ phần của hãng hàng không Asian Wings Airways (Myanmar), trị giá khoảng 25 triệu USD, do cạnh tranh khốc liệt.
Trả lời phỏng vấn của tờ Thời báo Tài chính, Tổng Giám đốc ANA Shinya Katanozaka cho biết ANA sẽ thúc đẩy kế hoạch mở rộng hoạt động ra toàn cầu trong năm 2016.
Về phía Vietnam Airlines, tháng 11/2014, hãng đã chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng để thúc đẩy kế hoạch cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả kinh doanh./.
Theo TTXVN/Vietnam+
.