“Mỗi lãnh đạo ngành đường sắt phải đau xót khi có tin người chết vì tai nạn. Chúng ta không được đổ lỗi do người dân đi đường ngang hợp pháp hay không hợp pháp”. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nói như vậy tại cuộc họp về ATGT đường sắt sáng 2-6.
 


Tăng cả 3 tiêu chí

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong 5 tháng đầu năm, TNGT đường sắt tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, với 86 vụ, làm chết 76 người và bị thương 24 người. So với cùng kỳ năm 2014, số vụ tăng gần 18% (tương đương 13 vụ), số người chết tăng 8,5% (tương đương 6 người) và số người bị thương tăng 50% (tương đương 8 người). Qua phân tích cho thấy, TNGT đường sắt xảy ra chủ yếu tại các đường ngang dân sinh (chiếm gần 79%), tại các đường ngang có cảnh báo tự động chiếm hơn 18% và tại các đường ngang có biển báo chiếm gần 3%. Tháng 3 và tháng 4 có số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT đường sắt cao nhất. Cụ thể, tháng 3 tăng 125% số vụ, 200% số người chết và 150% số người bị thương. Tháng 4 tăng 188% số vụ, 186% số người chết và 300% số người bị thương.

Tại cuộc họp về ATGT đường sắt sáng 2-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương và các cơ quan chức năng nhưng TNGT đường sắt trong 5 tháng đầu năm nay vẫn rất nóng. Đặc biệt, có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra. Điều này chứng tỏ những giải pháp đưa ra chưa thực sự hiệu quả. Từ nay đến cuối năm, ngành đường sắt phải có giải pháp để kiềm chế TNGT đường sắt. “Để xảy ra tai nạn nhiều mà các anh không sốt ruột gì cả. Mỗi lãnh đạo đường sắt phải đau xót khi có tin người chết. Chúng ta không được đổ lỗi do người dân đi đường ngang hợp pháp hay không hợp pháp”, ông Đinh La Thăng gay gắt.

Cứu hộ nghiệp dư

Trong khi TNGT đường sắt đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp thì cứu hộ đường sắt lại rất chậm chạp và lạc hậu về phương tiện. Cụ thể, ở vụ TNGT đường sắt ở Hạ Hòa, Phú Thọ sáng 1-6 vừa qua làm 1 người tử vong, phải sau 12 giờ, đường sắt Hà Nội - Lào Cai mới có thể thông tuyến trở lại. Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho hay, việc cứu hộ chậm là do cẩu đường sắt phải di chuyển hơn 4 giờ mới đến được hiện trường. Thông thường, cứu hộ đầu máy văng khỏi đường ray phải mất khoảng 10 giờ và 4 -5 giờ đối với toa xe.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhìn nhận, cứu hộ đường sắt chưa chuyên nghiệp. Để rút ngắn thời gian, thay vì chờ cẩu chuyên dụng, cần sử dụng lực lượng tại chỗ, huy động cẩu đường bộ. Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, điểm yếu của ngành đường sắt là thông tin về các vụ tai nạn chưa kịp thời, ý thức cung cấp tin của cấp dưới chưa tốt. “Như vụ TNGT đường sắt ở Phú Thọ ngày 1-6 vừa qua, lãnh đạo Bộ muốn xác minh thông tin phải hỏi Tổng Công ty Đường sắt”, ông Nguyễn Ngọc Đông dẫn chứng.

Để kiềm chế TNGT đường sắt từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào đảm bảo trật tự ATGT đường sắt; xem hiện nay còn tồn tại bất cập gì để có giải pháp tháo gỡ; nâng cao khả năng của Trung tâm Ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt; tổ chức diễn tập cứu hộ đường sắt; rà soát lại toàn bộ các đường ngang. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GTVT giao Vụ Tổ chức cán bộ soạn công văn đề nghị Bộ Công an biệt phái một cán bộ sang làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, chuyên phụ trách về ATGT.

Về lâu dài, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ngành đường sắt triển khai chiến lược giao thông đường sắt đến năm 2030, với các mục tiêu cụ thể và công bố rõ ràng. Ngành đường sắt phải lên phương án cứu hộ trên từng cung đường và tổ chức diễn tập để giảm thiểu tổn thất khi xảy ra tai nạn.
 

Theo ANTĐ

.