(BVPL) - Điều kiện cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vẫn bị đánh giá kém dù đang được gấp rút cải thiện. Để giúp GDP tăng trưởng vượt 5%, việc nâng cấp, mở rộng mạng lưới giao thông và viễn thông là rất quan trọng.

Tuy 10 năm qua Việt Nam có nhiều tiến bộ trong cơ sở hạ tầng (CSHT) nhưng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới chúng ta vẫn bị loại khỏi 100 nước dẫn đầu về CSHT, đó là sự đánh giá khá thấp về chất lượng. Chỉ số Đo lường về CSHT của HSBC về Việt Nam (AIM) đã tăng từ mức 0,28 trong năm 2000 lên 0,37 trong năm 2012 (con số này của Hàn Quốc là 1,04). Một số đánh giá cho rằng nếu muốn phát triển, trong vòng 20 năm tới, hơn một nửa tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam sẽ nghiêng về các sản phẩm dùng cho hạ tầng cơ sở và đầu tư vào trang thiết bị.
 


Cụ thể, trong năm 2013, dự báo hơn 40% hàng nhập khẩu là hàng hóa liên quan đến CSHT và con số này đến năm 2030 sẽ tăng lên khoảng 60%. Hiện tại, phần lớn vốn cho các dự án CSHT đến từ ngân sách Chính phủ hay các quỹ hỗ trợ phát triển nước ngoài. Đây chính là bước cản vì các dòng vốn trên khá hạn hẹp và thụ động. Để phát triển về CSHT, việc khuyến khích khối tư nhân tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế, cùng thực hiện các dự án về CSHT là khá quan trọng. Muốn vậy, khơi thông dòng chảy tín dụng là một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt.

 

Tường Châu

.