Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với nhiều nội dung quan trọng, xác định đường hướng phát triển đất nước trong thời gian tiếp theo. Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống thực tiễn, mang lại những hiệu quả thiết thực, các ban, ngành, địa phương đã có những kế hoạch, việc làm cụ thể triển khai nội dung Nghị quyết.
Báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên về việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tại địa phương.
|
|
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: PV |
PV: Thưa đồng chí, tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã gửi đến Đại hội những niềm tin, kỳ vọng và kiến nghị gì?
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức từ ngày 25/1 đến ngày 1/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của toàn dân tộc Việt Nam. Đại hội thành công rất tốt đẹp, thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là sự cổ vũ mạnh mẽ đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi đưa đất nước phát triển trên một tầm cao mới. Đây cũng là kỳ Đại hội mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm đặc biệt, đặt niềm tin và kỳ vọng rất lớn vào tương lai và sự phát triển của đất nước, của dân tộc trong thời gian tới.
Đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên có 22 đồng chí đại diện cho trí tuệ, ý chí, tâm tư, nguyện vọng của trên 94.000 đảng viên tham dự Đại hội XIII của Đảng, mang theo niềm tin, sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vào sự thành công của Đại hội. Với trách nhiệm trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, các đại biểu tham dự Đại hội đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo Văn kiện đại hội; tập trung thảo luận, lựa chọn bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, góp phần vào thành công của Đại hội, đáp ứng được lòng mong đợi và hy vọng lớn lao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các đại biểu của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đặt nhiều kỳ vọng vào các đồng chí đã được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, đại diện cho trí tuệ, tâm huyết của hơn 5 triệu đảng viên, cũng như đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia vào bộ máy lãnh đạo, đưa đất nước ta phát triển trong giai đoạn tới theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên là những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, trí tuệ của Đảng bộ tỉnh, tham dự Đại hội với một tâm thế vững vàng, tự tin, có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bằng tâm huyết và trách nhiệm cao với Đảng với nhân dân, Đoàn đã có một số kiến nghị với Đại hội đó là:
Thứ nhất, đề nghị Đảng ta tiếp tục coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, đây là vấn đề cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng. Do đó, phải thường xuyên và tăng cường chăm lo giáo dục chính trị tư tưởng, học tập, quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống chạy chức, chạy quyền...
Thứ hai, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong tình hình mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của chính quyền thông qua cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đạo đức trong thực hành công vụ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân..
Thứ tư, Đảng và Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải đi tiên phong, nêu gương sáng dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung; đội ngũ trí thức, doanh nhân đóng vai trò nòng cốt trong lao động, sáng tạo; động viên, phát huy vai trò chủ thể và sức sáng tạo vĩ đại của nhân dân; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo Việt Nam.
PV: Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá về quá trình 35 năm đổi mới, xin đồng chí cho biết những thay đổi căn bản tại Thái Nguyên sau 35 năm đổi mới?
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn: Chủ trương đổi mới đã được Đảng ta đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Đến nay, sau 35 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử, thay đổi đời sống mọi mặt của người dân: kinh tế tăng trưởng ở mức tương đối cao, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị và xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại được mở rộng và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Thái Nguyên là tỉnh có bề dày truyền thống yêu nước, cách mạng, là nơi được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ lựa chọn làm An toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đã trở thành “Thủ đô kháng chiến - Thủ đô gió ngàn”; chính nơi đây, đã có nhiều quyết sách quan trọng để lãnh đạo đất nước đấu tranh giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược; tham gia đấu tranh chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và làm tốt nhiệm vụ chi viện cho miền Nam. Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là 25 năm tái lập tỉnh (tháng 1/1997), với truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thái Nguyên đã khai thác tốt thế mạnh, tiềm năng để đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, sau 6 kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa 15, 16, 17, 18, 19, 20 từ một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đến nay kinh tế - xã hội của Thái Nguyên đã có sự phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở vị trí trong tốp các tỉnh có chỉ số tăng cao của cả nước. Cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch đúng hướng, quy mô tổng sản phẩm trong tỉnh theo giá hiện hành năm 2020 đạt 115.958 tỉ đồng (tương đương 5,04 tỉ USD). Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh từ 2,5 triệu đồng/năm 1997 đã tăng lên 88,7 triệu đồng/năm 2020 (gấp 35,48 lần). Thu ngân sách không ngừng tăng lên qua các năm (năm 1997 là 204,7 tỉ đồng; năm 2010 là 2.725 tỉ đồng; năm 2015 là 7.485 tỉ đồng và năm 2020 là 15.609 tỉ đồng). Giá trị sản xuất công nghiệp từ 2.127 tỉ đồng, đến nay đạt trên 783.600 tỉ đồng (gấp 368,4 lần); tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm (giảm từ 26,85% năm 2005 xuống còn 2,82% năm 2020); giá trị xuất khẩu từ 22,5 triệu USD đã tăng lên 25 tỉ USD. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 mới đứng ở vị trí thứ 57/63 tỉnh, thành và đến năm 2019 đã đứng ở vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước; đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn và cũng có nhiều dự án lớn được khởi công thực hiện, bước đầu có kết quả khá khả thi. Cùng với quá trình phát triển công nghiệp, tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung nhiều nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi diện mạo ở nông thôn.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới. Thái Nguyên được cả nước biết đến là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 của cả nước với 9 trường đại học, trên 25 trường cao đẳng, trung cấp, hàng năm đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp hàng vạn trí thức, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề cho tỉnh và các tỉnh khu vực phía Bắc. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân được tăng cường với chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; đã phát triển và thực hiện đầu tư các trung tâm y tế chuyên sâu, nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh để đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm vùng về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, với 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Trong quá trình phát triển, Thái Nguyên luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các đối tượng chính sách; những gia đình có công cách mạng đều được chăm sóc giúp đỡ tận tình. Đây là tình cảm, trách nhiệm đạo lý của thế hệ hôm nay đối với cha anh, các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt vừa qua, Thái Nguyên đã thu hút được nhiều nguồn lực xã hội để đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thành mục tiêu cấp điện lưới quốc gia cho 100% các xóm, bản trên địa bàn toàn tỉnh, được dư luận Nhân dân hết sức phấn khởi, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.
Quốc phòng, an ninh luôn được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại không ngừng được mở rộng, ngày càng nhiều các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh.
Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được nâng lên. Công tác tập hợp, vận động quần chúng ngày càng hiệu quả; tình đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào các dân tộc, tôn giáo ngày càng được tăng cường, góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương. Đảng bộ tỉnh hiện có 16 đảng bộ trực thuộc với trên 94 nghìn đảng viên, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 1997 (năm 1997 có trên 44.000 đảng viên), sinh hoạt tại 608 tổ chức cơ sở đảng.
Với những thành quả đạt được trong 35 năm đổi mới và 25 năm tái lập tỉnh đã khẳng định sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thái Nguyên; đó cũng chính là nền tảng, tiền đề vững chắc để Thái Nguyên tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn, trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030; xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, tâm huyết và kỳ vọng mà bao thế hệ đã tạo dựng, bồi đắp, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
PV: Góp phần vào thành tích chung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những thành tích nổi bật nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn: 5 năm qua, góp phần vào thành tích chung thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đoàn kết một lòng, bản lĩnh vững vàng, siết chặt kỷ cương, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thứ nhất, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Đảng bộ tỉnh có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy dân chủ, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Triển khai thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI bước đầu đạt được kết quả tích cực: giảm 30 đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; 99 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập và giảm gần 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên; giảm số biên chế và số người hưởng lương ngân sách nhà nước so với nhiệm kỳ trước theo quy định nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng. Thực hiện điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật, thu hồi tối đa tài sản đã bị chiếm đoạt.
Thứ hai, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trên 10%/năm; các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực; giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 238 nghìn tỉ đồng, tăng 18% so với giai đoạn 2011 - 2015; thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 90 dự án; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xã hội hóa đầu tư đạt kết quả nổi bật, nhất là nguồn đầu tư hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ; một số nhà đầu tư có năng lực về tài chính trong nước tích cực nghiên cứu đầu tư vào tỉnh.
Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt trên 15.600 tỉ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2015. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp. Diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc; tỷ lệ đô thị hóa (tỷ lệ dân số khu vực thành thị) đạt trên 32%; toàn tỉnh có 108 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí và 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân giảm 2,06%/năm, năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 2,82%; phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các cấp, ngành, cộng đồng và nhân dân tích cực hưởng ứng. Các chính sách bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới được quan tâm thực hiện. Hệ thống giáo dục và đào tạo có bước phát triển; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm về chất lượng (100% đạt chuẩn trở lên). Phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi được quan tâm, đã xóa toàn bộ phòng học tạm trên địa bàn tỉnh. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giám sát, phòng, chống dịch bệnh được coi trọng và có nhiều tiến bộ; tập trung phát triển y tế chuyên sâu. Phát triển văn hoá, thể dục, thể thao, thông tin và truyền thông, khoa học công nghệ tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Thứ tư, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp. Lực lượng vũ trang địa phương được quan tâm xây dựng, chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên. Công tác động viên quân dự bị, tuyển quân bảo đảm 100% chỉ tiêu hằng năm.
PV: Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp và thông qua Nghị quyết Đại hội với nhiều mục tiêu, phương hướng mới. Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, với trách nhiệm là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí đã có kế hoạch chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII như thế nào tại địa phương?
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết, nguyện vọng và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân. Để cụ thể hóa triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội, yêu cầu đặt ra đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trước hết phải sớm tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi nội dung của Nghị quyết đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và mỗi người dân; đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn để triển khai thực hiện, sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và có hiệu quả trên mọi lĩnh vực ngay từ những tháng đầu, năm đầu thực hiện Nghị quyết.
Với quyết tâm cao của toàn Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, ngay sau Đại hội, chúng tôi đã chỉ đạo công tác tuyên truyền, thông báo nhanh kết quả, ý nghĩa và thành công của Đại hội đến với toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh; đưa khí thế thành công của Đại hội vào cuộc sống, vào trong từng việc làm của cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo phong trào thi đua mới. Đồng thời, căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy sẽ xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII đến các tổ chức đảng, đảng viên và tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một cách cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!