Mục đích của việc tổ chức Cuộc thi nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ: Sử dụng sơ đồ tư duy trong báo cáo án nhằm cải tiến phương pháp làm việc và tăng hiệu quả công tác kiểm sát; tạo điều kiện cho các Kiểm sát viên trao đổi, học hỏi lẫn nhau, nâng cao kinh nghiệm và sự hiểu biết chung.

Nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ số phục vụ công việc: Chọn lọc, triển khai các phần mềm thương mại, các công nghệ số mới trong hỗ trợ việc báo cáo án, góp phần hiện đại hóa công tác kiểm sát.

Nhân rộng các mô hình báo cáo án bằng sơ đồ tư duy: Tìm kiếm, phát hiện các điển hình xuất sắc áp dụng sơ đồ tư duy trong báo cáo án để hoàn thiện, mở rộng và hướng dẫn thực hành chung trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Đồng thời, hình thành đội ngũ báo cáo viên của ngành Kiểm sát nhân dân, là những cán bộ có kỹ năng, kinh nghiệm sử dụng sơ đồ tư duy trong báo cáo án.

Về yêu cầu, Kế hoạch nêu rõ: Cuộc thi được triển khai trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân, tạo thành phong trào áp dụng công nghệ số phục vụ hoạt động nghiệp vụ kiểm sát, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số chung của ngành Kiểm sát nhân dân.

Cuộc thi là nơi thử nghiệm các công nghệ mới, cách làm mới trong báo cáo án, từ đó hình thành cách làm mẫu để nhân rộng trong toàn Ngành.

Tổ chức Cuộc thi bảo đảm an toàn, tiết kiệm, thực chất, hiệu quả.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một Cuộc thi “Xây dựng sơ đồ tư duy trong báo cáo vụ án hình sự” do Vụ 2, VKSND tối cao tổ chức. (Ảnh minh hoạ)

Về đối tượng tham dự: Thí sinh dự thi là Kiểm sát viên đang công tác trong ngành Kiểm sát, gồm: VKSND cấp huyện, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp cao và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, khu vực. 

Mỗi Đội thi gồm 3 người.

Về nội dung, cách thức thi: Đề thi là một vụ án về lĩnh vực hình sự, đã có hiệu lực pháp luật, thi hành án xong và được mã hóa.

Bài dự thi là Báo cáo đề xuất giải quyết trong giai đoạn truy tố bằng sơ đồ tư duy.

Mỗi đội thi có 240 phút (4 tiếng) để nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng báo cáo bằng sơ đồ tư duy; có tối đa 15 phút thuyết trình báo cáo và 10 phút trả lời các câu hỏi của Ban Giám khảo.

Về địa điểm, thời gian tổ chức: Cuộc thi được tổ chức thành 3 vòng thi như sau:

1. Vòng Sơ khảo: Hoàn thành trước ngày 20/8/2024, cụ thể:

VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh tự tổ chức thi tại đơn vị mình; trên cơ sở đó, mỗi VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh chọn ra 1 đội thi tham gia Vòng Chung khảo.

Viện kiểm sát quân sự Trung ương quyết định địa điểm, hình thức tổ chức thi trong khối Viện kiểm sát quân sự và chọn ra 11 Đội thi tham gia Vòng Chung khảo.

Các đơn vị đã tổ chức cuộc thi “Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy” không bắt buộc phải tổ chức thi Vòng Sơ khảo theo Kế hoạch này, có thể chọn Đội thi tham gia Vòng Chung khảo.

2. Vòng Chung khảo: Hoàn thành trước ngày 30/9/2024 và chia thành 3 cụm thi, cụ thể:

Cụm 1 tổ chức thi tại tỉnh Phú Thọ, có 26 đội thi, gồm: VKSND cấp cao tại Hà Nội; VKSND Thành phố Hà Nội, Hải Phòng; VKSND các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và 4 Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu.

Cụm 2 tổ chức thi tại tỉnh Quảng Nam, có 26 đội thi, gồm: VKSND cấp cao tại Đà Nẵng; VKSND thành phố Đà Nẵng; VKSND các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định và 4 Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu.

Cụm 3 tổ chức thi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có 25 đội thi, gồm: VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh; VKSND TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ; VKSND các tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Bình Thuận, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau và 3 Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu.

Vòng Chung kết: Tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 10/2024 (Hoàn thành trước ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2024).

Vì lý do bất khả kháng, thời gian hoàn thành các vòng Sơ khảo, Chung khảo, Chung kết có thể thay đổi, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ kịp thời thông báo đến các đội thi. Các Đội thi cử một người là “đầu mối” tiếp nhận thông tin từ Ban Tổ chức Cuộc thi.

Ngoài ra, Kế hoạch cũng nêu rõ về kinh phí tổ chức Cuộc thi. Cụ thể, Vòng Sơ khảo: Kinh phí tổ chức thi do Viện kiểm sát quân sự, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh tự bảo đảm.

Vòng Chung khảo, Vòng Chung kết: Đối với các đội tham dự: Chi phí đi lại, lưu trú trong quá trình tham dự Cuộc thi do đơn vị Viện kiểm sát cử đoàn tham gia chi trả.

Đối với đơn vị đăng cai: Bảo đảm công tác hậu cần phục vụ Vòng Chung khảo, Chung kết, Lễ khai mạc, trao giải (hội trường, trang thiết bị kỹ thuật ...), thực hiện kinh phí theo quy định của pháp luật.

VKSND tối cao: Bảo đảm việc đi lại, lưu trú của thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Nội dung, Ban Giám khảo và Tổ giúp việc của các Ban (nếu có) và các chi phí phát sinh khác theo quy định của pháp luật.

P.V