12 đội thi đã xuất sắc vượt qua các vòng thi Chung khảo ở các Cụm thi 1, 2, 3 đã có mặt tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy trong ngành Kiểm sát nhân dân” năm 2024 tổ chức tại TP Đà Nẵng trong 2 ngày (3 - 4/10).

Chiều ngày 3/10, khai mạc Cuộc thi đã được tổ chức trang trọng tại trường Đại học Duy Tân, với sự tham dự, chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao; lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao, cùng lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng và đông đảo lãnh đạo, cán bộ, KSV các đơn vị VKSND có các đội thi tham gia vòng Chung kết.

Đúng như lời phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Duy Giảng - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của ngành KSND thời gian qua được Viện trưởng VKSND tối cao và lãnh đạo VKSND các cấp quan tâm chỉ đạo, bước đầu đạt một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác nghiệp vụ của Ngành.

Trong đó, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành KSND nhằm tạo bước chuyển biến tích cực trong việc tăng cường ứng dụng CNTT và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân, góp phần nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành, ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn nghiệp vụ và góp phần khắc phục khó khăn do thiếu biên chế, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế, theo lộ trình tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Việc quyết định tổ chức Cuộc thi “Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy trong ngành Kiểm sát nhân dân” của Viện trưởng VKSND tối cao trong năm 2024 cho thấy sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo ngành KSND trong việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của VKSND, xác định là khâu đột phá trọng tâm năm 2024 và 2025 của toàn Ngành. Đây cũng là hoạt động thiết thực triển khai Nghị quyết của Ban cán sự đảng và các Chỉ thị công tác của ngành KSND liên quan đến nội dung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

leftcenterrightdel
 Cuộc thi được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo VKSND tối cao và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số, là công cụ, phương tiện thiết yếu ứng dụng để nâng cao chất lượng, kỹ năng các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Cũng như nhận thức được ý nghĩa của Cuộc thi “Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy trong ngành Kiểm sát nhân dân” năm 2024, tất cả các đơn vị trong Ngành (VKSND cấp cao; VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VKS quân sự cấp quân khu) đã háo hức chuẩn bị, cùng nhau đua tài tại các vòng thi Chung khảo Cụm 1, Cụm 2, Cụm 3 ở 3 miền Bắc – Trung – Nam.

Để rồi trong 2 ngày 3-4/10, 12 đội xuất sắc nhất ở các vòng Chung khảo, đã hội tụ về TP Đà Nẵng để cùng tham dự vòng thi Chung kết, cùng nhau đua tài và trên hết, là cùng nhau đoàn kết, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, gắn kết tình đồng chí đồng nghiệp trong ngành KSND.

Háo hức, phấn chấn xen lẫn hồi hộp, âu lo…gần như là trạng thái chung của thành viên các đội thi. Tuy nhiên, sau phần bóc thăm câu hỏi đề thi, 12 đội thi được “giải mã” một vụ án khá phức tạp về tham nhũng, chức vụ với nhiều bị can, đã khiến các đội thi phải tập trung cao độ để diễn giải và xây dựng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy theo yêu cầu của đề thi.

Chia sẻ với PV Báo Bảo vệ pháp luật, KSV Nguyễn Thị Ngọc Giàu – Đội trưởng đội VKSND tỉnh Đồng Tháp (Nhất Cụm 3) nhận định: “Đề thi Chung kết là một đề thi hay, với 1 vụ án khá phức tạp về tham nhũng, chức vụ, tội danh “Tham ô tài sản” và có 6 bị can liên quan tới vụ án. Trong đó, Giám đốc cùng với Kế toán lập khống các hợp đồng để chiếm đoạt tài sản của công ty. Việc chiếm đoạt này không chỉ xảy ra trong nội bộ công ty mà các đối tượng còn cấu kết với công ty khác. Do đó, tình tiết của vụ án cũng như vai trò, nội dung, cách thức thực hiện hành vi phạm tội của các đối tượng rất tinh vi, đòi hỏi mỗi đội thi phải “giải mã” kỹ hồ sơ vụ án, nhằm lên được một sơ đồ tư duy chi tiết, mạch lạc và phù hợp. Có như vậy mới thuyết phục được Ban Giám khảo”.

leftcenterrightdel
 Đội thi VKSND tỉnh Đồng Tháp tập trung trí tuệ làm phần 1 - Xây dựng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy của vòng thi Chung kết.

Đội trưởng đội VKSND tỉnh Đồng Tháp cũng nhận xét công tác tổ chức cuộc thi rất nghiêm túc, chặt chẽ, chu đáo và chuyên nghiệp. Các thí sinh, các đội thi đều tuân thủ Thể lệ cuộc thi. Trong quá trình thi, Ban Tổ chức phát đề kịp thời, nhiệt tình hỗ trợ các đội thi đồng thời thường xuyên kiểm tra, quan sát các đội thi có vi phạm trong quá trình thi hay không.

“Cuộc thi rất bổ ích, tạo điều kiện cho các Kiểm sát viên giao lưu học hỏi lẫn nhau. Đối với các thành viên trong đội thi VKSND tỉnh Đồng Tháp cũng đã học hỏi rất được nhiều điều, đặc biệt tinh thần đồng đội rất quan trọng, các thành viên trong đội phải đoàn kết, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, sau đó thống nhất, hỗ trợ với nhau, vận dụng tốt kỹ năng làm việc nhóm, vận dụng sáng tạo, hiệu quả phương pháp sơ đồ tư duy trong báo cáo giải quyết án để hoàn thành phần thi” – KSV Nguyễn Thị Ngọc Giàu cho biết.

Cũng theo KSV Nguyễn Thị Ngọc Giàu, không phải ngẫu nhiên mà đội VKSND tỉnh Đồng Tháp đạt giải Nhất Cụm 3, bởi ngay từ đầu năm 2024, đơn vị đã đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ vụ án và áp dụng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy trong giải quyết các vụ án hình sự và dân sự, mang lại hiệu quả cao. Trước khi bắt bầu vòng Chung khảo, VKSND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức cuộc thi sơ khảo, sau đó tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm để tuyển chọn các thành viên “hạt nhân”, nổi trội từ các đội thi của hai cấp VKSND tỉnh Đồng Tháp đại diện tham dự vòng Chung khảo cũng như Chung kết.

leftcenterrightdel
 Đội VKSND TP Đà Nẵng trao đổi kỹ năng trước khi bước vào thi Chung kết.

Đánh giá về đề thi vòng Chung kết, đại diện đến từ đội VKSND TP Đà Nẵng cũng cho biết: Đề thi về tội danh tham ô tài sản với nhiều bị can, là một đề thi tương đối phức tạp, nhưng là một đề thi hay.

“Với đề thi này, các đội thi có cơ hội thể hiện, sáng tạo được nhiều dạng sơ đồ tư duy” – Đại diện đội VKSND TP Đà Nẵng cho biết.

Đại diện cho đơn vị “chủ nhà”, đồng thời là đơn vị đồng tổ chức Cuộc thi Chung kết, KSV Nguyễn Chiến – Đội trưởng đội VKSND cấp cao tại Đà Nẵng cho biết: Cuộc thi thực sự có ý nghĩa đối với cán bộ, công chức làm nghiệp vụ trong ngành KSND, nhất là các KSV làm công tác giải quyết án hình sự, trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống hóa hồ sơ vụ án; ứng dụng chuyển đổi số vào giải quyết các vụ án hình sự, dân sự trong ngành KSND.

leftcenterrightdel
 Đội VKSND cấp cao tại Đà Nẵng hội ý trước khi bước vào Cuộc thi.

“Cuộc thi rất thiết thực, bổ ích, khi tạo ra hiệu ứng tốt, lan tỏa rộng khắp trong toàn ngành về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào nâng cao các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành trong ngành KSND, đến VKSND các cấp. Từ lãnh đạo đến cán bộ, KSV thực sự đã tạo ra một phong trào thi đua, học hỏi, áp dụng CNTT, chuyển đổi số rộng khắp” – KSV Nguyễn Chiến nói đồng thời cho biết thêm, đề thi Chung kết thực sự hay, khi đưa ra một vụ án tham nhũng chức vụ với nhiều bị can, tình tiết phức tạp, có ý nghĩa thời sự trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có ngành KSND đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Là đội thi đạt giải Nhất Cụm 2, VKSND tỉnh Nghệ An cũng cho thấy sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng khi đến với vòng thi Chung kết.

leftcenterrightdel
 Đội VKSND tỉnh Nghệ An trao đổi nghiệp vụ trong phần thi Chung kết.

KSV Phương Chung – Đại diện cho đội VKSND tỉnh Nghệ An cho biết: Sau khi đạt giải nhất Cụm thi số 2, đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An đã tổ chức buổi gặp gỡ, chúc mừng và tuyên dương thành tích đã đạt được của đội thi. Đồng thời, Viện trưởng vừa khuyến khích nhưng cũng là giao trách nhiệm cho các thành viên trong đội thi tiếp tục tăng cường rèn luyện kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xây dựng báo cáo, kỹ năng vẽ sơ đồ và kỹ năng thuyết trình, nhằm đạt được kết quả cao trong vòng Chung kết tại Đà Nẵng.

“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh, xác định vòng thi Chung kết sẽ có rất nhiều khó khăn vì các đội tại vòng thi này đều rất mạnh, do đó các thành viên đội thi đã tích cực rèn luyện các kỹ năng cơ bản phục vụ cho cuộc thi. Mặc dù các thành viên đội thi công tác tại các đơn vị khác nhau nhưng đồng chí Đội trưởng đội thi đã lập nhóm zalo để các thành viên thường xuyên trao đổi các kinh nghiệm, kỹ năng mình đã rèn luyện được, đồng thời đội đã chọn một vụ án có sẵn để các thành viên trong đội rèn luyện, trao đổi, đưa ra phương án xây dựng sơ đồ tư duy tối ưu, vừa ngắn gọn, xúc tích nhưng đầy đủ, khoa học, qua đó rút kinh nghiệm chung cho toàn đội nhằm nâng cao các kỹ năng cho các thành viên” – KSV Phương Chung cho biết.

Nhóm PV Miền Trung