Thẩm phán, Chủ toạ phiên toà ông Phạm Lương Toản mở đầu ngày xét xử thứ 3 trong phiên xử Phạm Công Danh và đồng phạm bị VKSND tối cao truy tố vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bằng việc lưu ý với các luật sư về việc sử dụng dữ liệu đã có trong vụ án trước (giai đoạn 1). Thay mặt HĐXX, thẩm phán Phạm Lương Bằng đồng ý cho 73 luật sư được sử dụng, nhưng cũng báo lại để cho các luật sư hiểu cho đúng về các số liệu ở giai đoạn 1. Vì giai đoạn 1, bản án hình sự số 332 ngày 9/9/2016 của TAND TP.HCM và bản án phúc thẩm số 30 ngày 24/1/2017 của Tòa án cấp cao tại TP.HCM đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, toàn bộ số liệu các luật sư có thể sử dụng nhưng phải sử dụng đúng vào bản án có hiệu lực pháp luật. Toàn bộ số liệu ngoài bản án này, các luật sư không được phép sử dụng trong quá trình bào chữa cho các bị cáo. Chủ toạ phiên toà lưu ý, đó là giới hạn của việc xét xử. Theo đó, bản án 332 đã xét xử Phạm Công Danh và các bị cáo phạm về các tội “cố ý làm trái” và “Vi phạm quy định cho vay” với hậu quả là gần 9133 tỷ, trong đó vi phạm về quy định cho vay là 2.095 tỷ còn lại là hậu quả của tội “cố ý làm trái”, mua banking, nâng cấp, rút tiền thuê nhà và dòng tiền của Tân Hiệp Phát là 5.490 tỷ.

Chủ toạ cho biết, ngày 9/1, hội đồng xét xử đã nhận được một bản kiến nghị của luật sư Hà Hải, trong đó luật sư đưa ra toàn bộ số liệu mà không có trong phạm vi xét xử, trong đó có quan hệ giữa Phạm Công Danh – Thiên Thanh – Tân Hiệp Phát trước đó đã được tất toán, đó là một quan hệ dân sự đã không được xem xét ở bản án trước thì sẽ không xem xét trong vụ án này. Về nguyên tắc, HĐXX chỉ xem xét theo số liệu bản án 30 đã có hiệu lực pháp luật.

Thẩn phán nhấn mạnh, ở vụ án này, HĐXX chỉ xem xét 4 hành vi thuộc hành vi “Cố ý làm trái” của Phạm Công Danh và đồng phạm làm thiệt hại cho ngân hàng Xây dựng (VNCB) 6.126.839.273.721 đồng.

Ngay sau khi kết thúc lưu ý của HĐXX với các luật sư và những người có mặt tại phiên toà, Chủ toạ phiên toà đã thực hiện việc xét hỏi đối với các bị cáo.

Thừa nhận hành vi phạm tội đúng như cáo trạng truy tố

8h35’: Người đầu tiên HĐXX xét hỏi là bị cáo Phan Thành Mai.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phan Thành Mai bình tĩnh trả lời các câu hỏi của HĐXX (ảnh Hoài Linh)

Cáo trạng đã nêu rõ, Phan Thành Mai- nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng VNCB sau khi tiếp nhận chủ trương và sự chỉ đạo của Phạm Công Danh đã trực tiếp chỉ đạo các nhân viên ngân hàng VNCB tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp để có được tiền cho Phạm Công Danh sử dụng. Mai trực tiếp tham gia họp bàn, thống nhất ký Biên bản họp HĐQT đề ra chủ trương cấp tín dụng cho Phạm Công Danh thông qua các công ty của Danh vay tiền bằng các hồ sơ vay trái quy định của pháp luật; thực hiện sự chỉ đạo của Phạm Công Danh, Mai đã chuẩn bị nguồn tiền, làm chủ tài khoản để ký hợp đồng tiền gửi, ký lệnh điều chuyển tiền, ký bảo lãnh cho các công ty vay tiền; đề xuất với Phạm Công Danh về việc phát hành trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty Trung Dung trái pháp luật, thông qua Quỹ Lộc Việt bán, thế chấp trái phiếu đó lấy tiền cho Phạm Công Danh sử dụng; ký các văn bản giới thiệu khách hàng; ký các hợp đồng cầm cố tài sản đảm bảo bên thứ 3 (là các Hợp đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV), ký biên bản họp, Nghị quyết HĐQT và văn bản của VNCB về việc đồng ý tất toán các Hợp đồng tiền gửi để trả nợ thay các Công ty vay vốn tại các ngân hàng nêu trên, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho VNCB với tổng số tiền là 6.126.839.273.721 đồng. Như vậy, Phan Thành Mai là người thực hành tích cực, giúp sức cho Phạm Công Danh gây ra các thiệt hại trên. Hành vi của Phan Thành Mai đã phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 165 BLHS.

Khá bình tĩnh trước các câu hỏi của HĐXX đưa ra, bị cáo Mai thừa nhận hành vi phạm tội của mình đúng như cáo trạng của VKSND tối cao đã truy tố. Bị cáo Mai xin nhận toàn bộ trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, bị cáo Mai xin được trình bày động cơ phạm tội, đề nghị xem xét lại số tiền thiệt hại, đề xuất các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả và đề nghị xem xét hành vi của nhóm Phạm Công Chính và công ty Thiên Thanh.

Trong quá trình hỏi, Chủ toạ đặc biệt lưu ý đến dòng tiền được các cá nhân, ngân hàng này sử dụng. Trước câu “bị cáo thấy dòng tiền này đi đúng hay sai”, Phan Thành Mai thưa “Không đúng”.

10h15’ HĐXX xét hỏi Trầm Bê.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trầm Bê xin không kê biên căn nhà tại 601 Hồng Bàng, Q.6, TP.HCM vì "chẳng đáng bao tiền, chỉ có mười mấy tỷ à" (ảnh Hoài Linh)

Trước câu hỏi “cáo trạng đã nêu rõ hành vi của bị cáo, vậy cáo trạng nêu có đúng hay không?” của HĐXX đưa ra, bị cáo Trầm Bê thừa nhận toàn bộ hành vi của mình đúng như cáo trạng đã nêu và nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc cho vay đó. Tuy nhiên, bị cáo Trầm Bê cho rằng thực sự không phục lắm. Bởi theo bị cáo, nếu cố ý làm trái thì phải hưởng lợi, đằng này, bản thân ông không được hưởng lợi gì. Ngoài ra việc dùng tiền gửi ở ngân hàng khác để bảo lãnh cho khoản vay của các công ty pháp luật không cấm, theo nhận thức của Trầm Bê. Mặt khác, bị cáo Trầm Bê cũng thừa nhận rằng, trong quá trình trao đổi và bàn bạc về việc duyệt cho vay và hạn mức cho vay, bị cáo đã chú ý đến vấn đề bảo đảm cho khoản vay đó được thu hồi mà không chú ý đến các điều kiện khác mà Luật tổ chức tín dụng và Ngân hàng nhà nước quy định.

Nói riêng về 2 căn nhà hiện VKSND tối cao đang đề nghị tiếp tục kê biên, Trầm Bê cho biết căn nhà ở 61 Hồng Bàng, P6, Q.6 là của vợ chồng bị cáo đã có từ lâu. Trầm Bê đề nghị không kê biên mà để lại cho vợ bị cáo. Vì theo Trầm Bê, “căn nhà đó không có bao nhiêu tiền, nó chỉ đáng khoảng mười mấy tỉ à”, bị cáo Trầm Bê nói tại phiên toà.  

10h45”. HĐXX xét hỏi Phan Huy Khang, nguyên TGĐ Sacombanhk.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phan Huy Khang thừa nhận tội danh theo đúng cáo trạng truy tố (ảnh Hoài Linh)

Khi được HĐXX hỏi, Phan Huy Khang thừa nhận hành vi của mình đúng như cáo trạng đã truy tố. Bị cáo thừa nhận trên thực tế đã thực hiện đúng như chủ trương của Trầm Bê là cho Phạm Công Danh vay tiền. Bị cáo không thấy có “vấn đề gì” trong việc thực hiện duyệt cho vay theo đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật. Nhưng do sơ sót trong quá trình làm hồ sơ cho vay, hồ sơ chưa chặt chẽ, việc thẩm định có sai sót nên dẫn đến hậu quả như cáo trạng đã truy tố.

Cũng trong sáng nay, HĐXX đã xét hỏi các bị cáo Nguyễn Việt Hà – nguyên GĐ Cty CP quản lý Quỹ Lộc Việt; Nguyễn Kim Cẩm Vân, phụ trách Kế toán Công ty Cty CP quản lý Quỹ Lộc Việt; Phạm Hoài Thanh, PGĐ Cty CP Đầu tư và Phát triển Thạch Hà; Vũ Viết Quân, PGĐ Cty CP Đầu tư và Phát triển Thạch Hà là những người đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh gây thiệt hại cho ngân hàng Xây dựng (VNCB) 903 tỷ đồng bằng hình thức mua bán trái phiếu không có thật. Hành vi của nhóm bị can này nhằm mục đích chuyển số tiền trên quay trở lại tập đoàn Thiên Thanh để Phạm Công Danh sử dụng.

Nguyễn Việt Hà cho rằng, mình nhận uỷ thác số tiền 903 tỷ đồng và chỉ thụ hưởng mức phí 1%/năm chứ không phải 3% như Cáo trạng của VKS nêu. Hơn nữa bị cáo Nguyễn Việt Hà cho biết là không hề quen biết mà chỉ gặp ông Phạm Công Danh một lần và thời gian gặp chỉ chừng 1 phút.

Sau khi nghe bị cáo Nguyễn Việt Hà trình bày, HĐXX tiếp tục chất vấn về việc phí nhận uỷ thác đối với số tiền đã nhận uỷ thác và cho biết sẽ tiếp tục xem xét sau. Tuy nhiên, sau khi chất vấn, xét hỏi thì HĐXX xác định rằng các hành vi của bị cáo là hoàn toàn đúng như Cáo trạng của VKS.

Tại phiên toà, Bị cáo Nguyễn Kim Cẩm Vân đã thừa nhận những yếu tố khách quan là đúng theo như Cáo trạng của VKS. Tuy nhiên, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét một số vấn đề chủ quan. Lúc ấy bị cáo chỉ cung cấp mẫu hợp đồng, còn về nội dung thì hoàn toàn không hay biết nên không biết việc phát hành trái phiếu có đúng với quy định pháp luật. Bị cáo Nguyễn Kim Cẩm Vân cũng cho biết không được hưởng lợi gì mà chỉ là người làm thuê ăn lương.

Bị cáo Phạm Hoài Thanh tại phiên toà trình bày rằng việc đầu tư vào Quỹ Lộc Việt nhận uỷ thác thì bị cáo không biết gì, bị cáo cũng cho biết là không tìm hiểu việc phát hành trái phiếu có đúng với quy định hay không. Bị cáo cũng xin HĐXX xem xét vì chỉ là nhân viên bộ phận phân tích và lúc này đang mang thai nên mong được xem xét về hoàn cảnh.

Tại phần xét hỏi đối với bị cáo Vũ Viết Minh Quân, mặc dù chưa thực sự đồng tình với nội dung cáo trạng đã nêu, nhưng Chủ toạ phiên toà đã phân tích cho bị cáo biết rõ những hành vi mà bị cáo đã thực hiện. Sau khi lắng nghe HĐXX phân tích, bị cáo thừa nhận là không ý thức được những hành vi của mình là cố ý làm trái với quy định của pháp luật.

Mai Phong - Việt Hoa

Phan Thành Mai- nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng VNCB đã bị VKSND tối cao truy tố vì đã có các hành vi: Tiếp nhận chủ trương và sự chỉ đạo của Phạm Công Danh; trực tiếp chỉ đạo các nhân viên ngân hàng VNCB tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp để có được tiền cho Phạm Công Danh sử dụng. Bị can trực tiếp tham gia họp bàn, thống nhất ký Biên bản họp HĐQT đề ra chủ trương cấp tín dụng cho Phạm Công Danh thông qua các công ty của Danh vay tiền bằng các hồ sơ vay trái quy định của pháp luật; thực hiện sự chỉ đạo của Phạm Công Danh, Mai đã chuẩn bị nguồn tiền, làm chủ tài khoản để ký hợp đồng tiền gửi, ký lệnh điều chuyển tiền, ký bảo lãnh cho các công ty vay tiền; đề xuất với Phạm Công Danh về việc phát hành trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty Trung Dung trái pháp luật, thông qua Quỹ Lộc Việt bán, thế chấp trái phiếu đó lấy tiền cho Phạm Công Danh sử dụng; ký các văn bản giới thiệu khách hàng; ký các hợp đồng cầm cố tài sản đảm bảo bên thứ 3 (là các Hợp đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV), ký biên bản họp, Nghị quyết HĐQT và văn bản của VNCB về việc đồng ý tất toán các Hợp đồng tiền gửi để trả nợ thay các Công ty vay vốn tại các ngân hàng nêu trên, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho VNCB với tổng số tiền là 6.126.839.273.721 đồng. Như vậy, Phan Thành Mai là người thực hành tích cực, giúp sức cho Phạm Công Danh gây ra các thiệt hại trên. Hành vi của Phan Thành Mai đã phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 165 BLHS.

Ghi nhận tại phiên toà, tình hình sức khoẻ cuả bị cáo Phạm Công Danh và Trầm Bê không ổn định. Trong ngày xét xử thứ nhất, bị cáo Phạm Công Danh và Trầm Bê phải được hỗ trợ y tế nhiều lần. Riêng ngày thứ 2, HĐXX đã nhất trí cho 2 bị cáo được ngồi phòng riêng nghe đọc cáo trạng nhằm đảm bảo quá trình chăm sóc sức khoẻ cho các bị cáo. Trong ngày thứ 2, Chủ toạ phiên toà tiếp tục ký triệu tập những người vắng mặt nhưng với lý do sức khoẻ bà Hứa Thị Phấn, ông Trần Bắc Hà vẫn tiếp tục không có mặt tại toà.

Ngày thứ 3 làm việc, HĐXX đã đồng ý cho Phạm Công Danh được ngồi để trả lời.

Mọi công tác an ninh vẫn được bảo đảm và thắt chặt. Tuy nhiên, do số lượng các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và luật sư lên đến hơn 300 người, nên phòng xử trong và ngoài luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều phóng viên báo, đài đều phải đứng từ xa, quá trình tác nghiệp rất khó khăn.