Ngày 30/5, thông tin từ VKSND TP Hà Nội cho biết, cơ quan này vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Đỗ Minh Tâm (SN 1977, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản trị 1, Văn phòng Quốc hội) và Nguyễn Thế Phùng (SN 1987, lao động tự do, trú tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.

leftcenterrightdel
 Bị can Đỗ Minh Tâm khi chưa bị khởi tố.

Theo cáo trạng, để các bị hại tin tưởng, Đỗ Minh Tâm và Nguyễn Thế Phùng đã đưa ra các thông tin gian dối rằng, bản thân có quan hệ với nhiều lãnh đạo TP Hà Nội. Chưa dừng lại ở đó, để bị hại tin tưởng hơn nữa mà giao ra 1,8 triệu USD, bị can Tâm còn dẫn bị hại vào Văn phòng Quốc hội thăm nơi công tác của mình, nhằm phô trương vị thế để chứng minh việc mình có khả năng lo lót được công việc. Bằng các thủ đoạn gian dối, các bị can đã chiếm đoạt của 2 bị hại tổng số tiền hơn 44,3 tỉ đồng. Trong đó, có bị hại là doanh nhân người nước ngoài.

Cáo trạng thể hiện, năm 2019, ông Pheutsapha Phoummask (tên Việt Nam là Pha) giữ chức Chủ tịch Công ty Asia Investment (trụ sở tại Viêng Chăn, Lào) có quen biết anh Đàm Đức Cường (trú tại TP Hồ Chí Minh). Ông Pha có nhờ anh Cường giúp đỡ để đầu tư xây dựng tòa nhà hữu nghị tại Thủ đô Hà Nội.

Thông qua anh Cường, ông Pha được giới thiệu gặp Tâm và Phùng. Khi gặp nhau, Tâm nói bản thân có mối quan hệ với lãnh đạo TP Hà Nội. Tâm và Phùng đưa ông Pha đến xem khu đất khoảng 10.000m2 và 9.400m2 gần tòa nhà Keangnam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và nói sẽ giúp ông này mua được 2 mảnh đất trên để xây tòa nhà hữu nghị kiêm văn phòng cho thuê, làm biểu tượng hữu nghị Việt - Lào.

Để ông Pha tin tưởng mình, Tâm còn đưa nạn nhân vào Văn phòng Quốc hội thăm nơi làm việc của mình. Tâm “thỏa thuận”, nếu ông Pha muốn được cấp đất, cần chi 6% tổng đầu tư dự án và buộc phải đưa trước 1,8 triệu USD. Việc đưa tiền sẽ thông qua Nguyễn Thế Phùng nhận và ký hợp đồng, vì Tâm làm việc trong cơ quan Nhà nước, không thể đứng ra nhận và ký được.

Ngày 10/11/2019, tin tưởng lời Tâm nói, Công ty Asia Investment ký hợp đồng giao dịch với Nguyễn Thế Phùng để được tư vấn, hỗ trợ để Công ty Asia Investment xin được chấp thuận, giấy phép và liên hệ làm việc với cơ quan chức năng tại Việt Nam, để đầu tư 2 dự án vào 2 khu đất nêu trên. Nội dung hợp đồng nêu rõ, công việc phải thực hiện và số tiền phải giao, thời hạn thực hiện hợp đồng là 6 tháng, tính từ ngày nhận tiền.

Sau đó, ông Pha xoay xở vay mượn được 1,8 triệu USD (hơn 41 tỉ đồng) của một doanh nhân ở Hà Nội, rồi giao cho nhân viên của mình đưa tiền cho Nguyễn Thế Phùng. Trước mỗi lần giao tiền, nhân viên của ông Pha đều gọi điện cho Tâm, rồi Tâm bảo Phùng đến địa chỉ hẹn gặp.

Từ ngày 13/11/2019 đến ngày 29/11/2019, bị hại đã 6 lần giao tiền cho Phùng, mỗi lần 300.000 USD, tổng số là 1,8 triệu USD, tương đương hơn 41,6 tỉ đồng. Khi giao tiền, Phùng có ký vào giấy biên nhận tiền, sau đó giao lại toàn bộ cho Tâm. Tâm đưa lại cho Phùng số tiền 396.000 USD.

Quá thời hạn cam kết, Phùng và Tâm không thực hiện theo nội dung hợp đồng, ông Pha đòi lại tiền. Đến ngày 16/12/2021, Phùng và Tâm mới trả lại cho bị hại 130.000 USD, còn chiếm đoạt 1,67 triệu USD.

Tháng 5/2022, ông Pha ủy quyền để tố giác hành vi lừa đảo của Phùng và Tâm tới cơ quan Công an. Quá trình điều tra, đến nay, Phùng và Tâm đã hoàn trả lại cho ông Pha toàn bộ số tiền 1,8 triệu USD.

Ngoài vụ việc trên, Đỗ Minh Tâm còn liên quan đến vụ án Nguyễn Thế Phùng lừa đảo, chiếm đoạt 2,7 tỉ đồng của chị Lê Thị H. (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Cáo trạng xác định, ngày 29/5/2021, chị H. gọi điện thoại nhờ ông Tâm lo xin tại ngoại cho hai người bạn đang bị Công an quận Đống Đa tạm giữ về hành vi Cướp tài sản. Chị H. cũng nhờ ông Tâm xin cho hai người này không bị xử lý hình sự. Tâm nhận lời và nói liên hệ với Phùng.

Ngày hôm sau, khi gặp chị H., Phùng nói giải quyết được việc này trong 3 ngày, với chi phí 3,8 tỉ đồng. Tin lời Phùng, chị H. đã chuyển tiền cho Phùng 9 lần, mỗi lần 300 triệu đồng, tổng 2,7 tỉ đồng.

Quá thời gian hứa hẹn mà 2 người bạn vẫn chưa được tại ngoại, chị H. gọi điện yêu cầu Phùng trả lại tiền. Phùng trả lại 1,55 tỉ đồng, còn nợ 1,15 tỉ đồng. 4 tháng sau, chị H. gửi đơn tố cáo Phùng lên cơ quan công an.

Vài ngày sau khi gửi đơn tố cáo Phùng, chị H. bị bắt. Phùng chuyển trả tiền cho chị H. qua một tài khoản của người bạn, song đến nay vẫn còn thiếu 250 triệu đồng.

Quá trình điều tra, bị can Phùng khai nhận, sau khi nhận tiền của chị H., bị can đã nhờ chị Trần Thị Thanh H. (ở quận Đống Đa, Hà Nội) giúp "chạy án" và chuyển khoản cho chị Thanh H. số tiền 900 triệu đồng.

Được triệu tập đến Cơ quan điều tra, chị Nguyễn Thị Thanh H. khai, khi Phùng nhờ, chị bận chăm sóc người thân nằm viện nên ngày 21/6/2021, chị đã chuyển khoản trả lại cho Phùng.

Căn cứ vào tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án, Cơ quan điều tra không đủ căn cứ xác định chị Trần Thị Thanh H. đồng phạm nên không xử lý hình sự đối với chị H.

Trong vụ án này, Đỗ Minh Tâm thừa nhận giới thiệu chị Trần Thị Thanh H. cho Phùng, nhưng sau đó hai người họ làm việc thế nào, đưa tiền cho nhau thế nào thì Tâm không biết.

Do Tâm không tham gia việc trao đổi giải quyết công việc, không bàn bạc việc nhận tiền, chia số tiền chị H. đưa và không được hưởng lợi gì từ vụ việc này nên Cơ quan điều tra không có căn cứ xác định Tâm đồng phạm với Phùng trong vụ lừa đảo này.

Hồng Nguyên