Dùng công ty gia đình nâng khống giá thiết bị y tế

VKSND tối cao vừa ban hành bản cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Minh Quân (SN 1973, cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Lợi (SN 1986, cựu Giám đốc Công ty TNHH TMDV sản xuất Nguyễn Tâm) về tội “Tham ô tài sản”, quy định tại khoản 4, Điều 353  và tội “Rửa tiền” quy định tại khoản 3, Điều 324 Bộ luật Hình sự.

leftcenterrightdel
 Bị can Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức.

Liên quan đến vụ án, cùng bị truy tố với 2 bị can nêu trên còn có 6 bị can khác bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, trong đó có 5 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện TP Thủ Đức, gồm: Nguyễn Thị Ngọc (SN 1973), Nguyễn Lan Anh (SN 1984, cùng cựu Phó giám đốc Bệnh viện); Đặng Thị Hiên (SN 1985, Kế toán trưởng);

Ngô Trương Ngọc Bích (SN 1987, cựu Trưởng phòng vật tư trang thiết bị y tế), Nguyễn Huy Việt (SN 1980, nhân viên Phòng vật tư trang thiết bị y tế) và Trần Hậu Nghĩa (SN 1986, cựu Giám đốc Công ty TNHH thiết bị y tế Hải Đăng); và 1 bị can bị truy tố về tội “Rửa tiền” là Nguyễn Trần Ngọc Diễm (SN 1972, cựu Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Đạo).

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, Bệnh viện TP Thủ Đức (Bệnh viện Thủ Đức) trực thuộc UBND quận Thủ Đức. Từ ngày 17/3/2020, Bệnh viện Thủ Đức trực thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh; là đơn vị sự nghiệp y tế công lập, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ năm 2007 đến thời điểm bị khởi tố bị can, Nguyễn Minh Quân giữ chức vụ Giám đốc, chủ tài khoản của Bệnh viện Thủ Đức, có trách nhiệm quản lý, sử dụng, tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động của Bệnh viện theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ quy định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Kết quả điều tra xác định, quá trình Bệnh viện Thủ Đức được tổ chức, thực hiện mua sắm thiết bị y tế để phục vụ khám chữa bệnh, Nguyễn Minh Quân lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao đã tham ô tài sản thông qua việc sử dụng các công ty gia đình để nâng khống giá thiết bị y tế bán vào bệnh viện; điều hành chi phối nhân viên dưới quyền vi phạm các quy định về đấu thầu; thực hiện hành vi rửa tiền để hợp thức nguồn tiền chiếm đoạt trái pháp luật.

Cụ thể, từ năm 2016 - 2020, Bệnh viện Thủ Đức đã tổ chức đấu thầu 31 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Trong đó, có 28 gói thầu đã phê duyệt kết quả trúng thầu đã hoàn thiện việc thanh toán với tổng giá trị 346,2 tỉ đồng.

Để can thiệp thâu tóm toàn bộ các gói thầu nêu trên, Nguyễn Minh Quân đã chỉ đạo Nguyễn Văn Lợi (là người làm thuê cho vợ chồng Quân) thành lập, sử dụng 4 Công ty, gồm: Công ty TNHH Ngọc Đạo (Công ty Ngọc Đạo) do Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ của Quân) là người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, Diễm có văn bản ủy quyền cho Nguyễn Văn Lợi là người đại diện theo pháp luật để Lợi sử dụng pháp nhân theo chỉ đạo của Quân; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm (Công ty Nguyễn Tâm), do Nguyễn Văn Lợi đại diện theo pháp luật; Công ty TNHH Thanh Vương Sài Gòn (Công ty Thanh Vương) do Đồng Thị Xuân Thu, vợ của Lợi đại diện theo pháp luật; Công ty TNHH Dược phẩm Trung Dung (Công ty Trung Dung) do Phạm Thị Bích Chi đại diện theo pháp luật, kiêm kế toán Công ty Nguyễn Tâm.

Khi tham gia đấu thầu trang thiết bị y tế vào Bệnh viện Thủ Đức, Quân chỉ đạo Lợi giao cho nhân viên lập các hợp đồng mua bán khống, lòng vòng giữa các Công ty trong nhóm để nâng giá thiết bị máy móc cao hơn giá thị trường, sau đó sử dụng 3 công ty trong nhóm 4 Công ty nêu trên do Lợi quản lý, để nộp hồ sơ dự thầu với giá máy móc, thiết bị đã được nâng khống.

Khi làm hồ sơ tham gia đấu thầu, Lợi chỉ đạo Trần Hậu Nghĩa (được Lợi thuê đứng tên làm Giám đốc Công ty TNHH thiết bị y tế Hải Đăng đồng thời là Phó Giám đốc Công ty Ngọc Đạo) cố tình làm 1 hồ sơ có tiêu chí tốt hơn 2 hồ sơ còn lại, mục đích để một công ty trúng thầu.

Trúng 27/28 gói thầu, tổng giá trị hơn 345 tỉ đồng

Tại Bệnh viện Thủ Đức, Nguyễn Minh Quân thành lập Tổ mua sắm do Ngô Trương Ngọc Bích là Tổ trưởng và Nguyễn Huy Việt là thành viên; Đặng Thị Hiên là Trưởng đơn vị đầu tư dự án.

leftcenterrightdel
 Bệnh viện TP Thủ Đức, nơi xảy ra vụ án.

Hàng năm, Quân ký các quyết định thành lập các tổ thực hiện hoạt động đấu thầu: Tổ soạn thảo hồ sơ mời thầu, Tổ mời thầu, Tổ chuyên gia xét thầu và Tổ thẩm định đấu thầu cho đủ thành phần, thủ tục theo quy định của pháp luật về đấu thầu từ khâu lập dự toán đến tổ chức mời thầu, chấm thầu, ký hợp đồng; Quân giao cho Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Lan Anh đều là Phó Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, làm tổ trưởng. Thực chất các tổ đấu thầu không hoạt động theo quyết định được phân công, chỉ ký hoàn thiện, hợp thức hồ sơ.

Mặc dù biết rõ các Công ty do Nguyễn Văn Lợi điều hành, quản lý đều là công ty “sân sau” của Nguyễn Minh Quân nhưng theo chỉ đạo của Quân, tổ mua sắm đã thực hiện các hành vi sai phạm.

Đặng Thị Hiên đã liên hệ với các khoa, phòng tiếp nhận đề xuất mua trang thiết bị y tế để lập danh mục dự trù mua sắm; Ngô Trương Ngọc Bích liên hệ với Nguyễn Văn Lợi lấy các báo giá, cấu hình kỹ thuật trang thiết bị y tế của nhóm 4 công ty, phối hợp với Đặng Thị Hiên lập dự toán mua sắm trang thiết bị y tế để Nguyễn Minh Quân ký, trình Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và UBND quận Thủ Đức xin phê duyệt.

Do các thành viên tổ mua sắm không trực tiếp tiến hành thẩm định giá dự toán của các thiết bị máy móc mà lấy báo giá đã bị Lợi chỉ đạo nâng khống dẫn đến giá dự toán đưa vào hồ sơ thầu cao hơn giá nhập khẩu nhiều lần. Sau khi được phê duyệt dự toán mua sắm, Bệnh viện Thủ Đức tổ chức đấu thầu rộng rãi, Ngô Trương Ngọc Bích liên hệ với Nguyễn Văn Lợi để thông báo về kế hoạch đấu thầu và phối hợp cho nhóm công ty của Lợi nộp hồ sơ tham gia dự thầu.

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2016 - 2020, nhóm 4 Công ty do Nguyễn Văn Lợi quản lý, gồm: Công ty Nguyễn Tâm, Công ty Ngọc Đạo, Công ty Trung Dung, Công ty Thanh Vương tham gia đấu thầu và trúng thầu 27/28 gói thầu tại Bệnh viện Thủ Đức, với tổng giá trị hơn 345 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty Nguyễn Tâm trúng thầu 12 gói, cung ứng 161 loại thiết bị, máy móc, với tổng giá trị 294,3 tỉ đồng; Công ty Ngọc Đạo trúng thầu 3 gói, cung ứng 10 thiết bị, tổng giá trúng thầu 9,63 tỉ đồng; Công ty Thanh Vương trúng thầu 3 gói thầu mua sắm máy móc trang thiết bị, tổng giá trị trúng thầu 7,64 tỉ đồng; Công ty Dược Phẩm Trung Dung trúng thầu 9 gói thầu mua sắm trang thiết bị, tổng giá trị trúng thầu là 33,42 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, tổng số tiền lợi nhuận 4 Công ty nêu trên thu được là hơn 102,5 tỉ đồng. Lợi đã chỉ đạo nhân viên chuyển cho vợ chồng Quân, Diễm tổng số hơn 103,6 tỉ đồng và đây là số tiền do nâng khống giá thiết bị y tế từ 27 gói thầu nêu trên.

Hồng Nguyên