Theo nội dung Cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, vào cuối năm 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội nhận được đơn của các cá nhân tố giác Đặng Việt Hùng chiếm đoạt tài sản thông qua việc huy động vốn đầu tư vào quỹ tài chính Asia - CB.

Quá trình điều tra xác định, khoảng tháng 8/2016, do cần tiền nên Hùng đưa ra các thông tin gian dối về Ngân hàng cộng đồng Á Châu (viết tắt là Asia- CB). Cụ thể, Hùng nói đây là ngân hàng mình tự lập ra với đối tác là một công ty của Singapore và Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB với số tiền ký quỹ là 100 tỉ đồng.

Trong đó, tỷ lệ góp vốn là ACB góp 30 tỉ đồng, đối tác Singapore là 40 tỉ đồng và cá nhân Hùng là 30 tỉ đồng. Hùng đưa ra cam kết Asia - CB là nơi đầu tư an toàn, lâu bền giúp người dân Việt Nam có thu nhập tốt lên với mức lợi nhuận cao. Hùng cũng xuất trình các tài liệu để giới thiệu về quỹ này như sách giới thiệu về ngân hàng Asia - CB, hướng dẫn tham gia cách nộp tiền, lợi nhuận được hưởng.

Trước đó, Hùng cũng đã thuê người lập website asiancb.org với chi phí 359 triệu đồng. Về thủ đoạn, Hùng nói mỗi người tham gia là một nhà đầu tư, số tiền đầu tư được đăng ký với Hùng hoặc người đầu tuyến. Khi tham gia, nhà đầu tư phải có thẻ tín dụng (thẻ visa) của ACB (nhà đầu tư ra ngân hàng mở tài khoản) và đăng ký tài khoản thành viên tại website asiacb.org.

Khi đăng ký, người chơi bắt buộc phải khai toàn bộ thông tin thẻ tín dụng của mình gồm tên chủ thẻ, số thẻ, mật khẩu của thẻ. Khi đầu tư, nhà đầu tư được hưởng lãi suất 20%/1 chu kỳ 10 ngày. Tại 1 chu kỳ thì cứ 5 triệu đồng tiền đầu tư, nhà đầu tư phải nộp 300.000 đồng lệ phí (gọi là PINs).

Mỗi lần nộp tối thiểu 4 chu kỳ (tức 40 ngày). Số tiền này, nhà đầu tư nộp cho người đầu tuyến. Người đầu tuyến sẽ chuyển khoản hoặc nộp tiền mặt cho Hùng. Nhà đầu tư nộp số tiền đầu tư vào thẻ tín dụng mở tại ACB.

Hùng cũng lập tài khoản ví điện tử Bảo Kim và sử dụng các thông tin thẻ tín dụng của từng người để chuyển tiền vào ví điện tử của mình.

Theo quy định, khi chuyển tiền cần mã OTP của chủ thẻ. Do đó, mỗi khi giao dịch, Hùng gọi điện cho chủ thẻ nói rằng quỹ tài chính đang tiến hành thu tiền đầu tư và đề nghị họ cung cấp mã OTP do ngân hàng cung cấp để Hùng xác nhận giao dịch.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 8/2016 đến tháng 3/2017, có 38 người mở tài khoản tại website của Hùng, nạp tiền vào tài khoản để đầu tư nhưng sau đó bị mất cả gốc và lãi. Trong đó có người bị chiếm đoạt nhiều nhất là 750 triệu đồng và người ít nhất là 6,2 triệu đồng. Tổng số tiền Hùng chiếm đoạt của các bị hại là hơn 4 tỉ đồng.

Tại Cơ quan điều tra, Hùng khai nhận sử dụng tiền để chi tiêu cá nhân. Hùng khai thực hiện hành vi trên một mình và không có ai tham gia cùng.

Ngân hàng Nhà nước xác nhận, không cấp phép hoạt động cho Ngân hàng Cộng đồng Á Châu. Qua khai thác trên các phương tiện thông tin truyền thông, đến nay không có thông tin về sự hiện diện của ngân hàng này.

Trong khi ấy, Ngân hàng ACB cũng xác định không liên kết với Hùng để thành lập sân tài chính asiacb.org. Hùng có mở tài khoản ngân hàng cá nhân và tài khoản Công ty TNHH Đầu tư và phát triển AGG tại ACB. Song các tài khoản trên không còn số dư.

Xác minh tại Chi cục thuế quận Cầu Giấy thì thấy Công ty TNHH Đầu tư và phát triển AGG đăng ký nộp thuế từ tháng 10/2016 do Hùng làm đại diện pháp luật nhưng đến nay không gửi tờ khai thuế.

Còn xác minh ví điện tử của Hùng thì thấy từ ngày 13/10 đến 22/10/2016, Hùng đã chuyển từ tài khoản ví Bảo Kim về tài khoản của mình mở tại Ngân hàng Ngoại thương số tiền hơn 6,1 tỉ đồng. Số tiền này, Hùng rút ra để chi tiêu cá nhân hết.

Đặng Việt Hùng bị  VKSND TP Hà Nội truy tố về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản", theo khoản 4, Điều 290  Bộ luật Hình sự.

Hồng Vân