Luật mẫu Liên hợp quốc khuyến nghị các Quốc gia đẩy mạnh các chương nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về hiện trạng và nguyên nhân của BLGĐ, khuyến khích tham gia xóa bỏ BLGĐ.

Phòng ngừa BLGĐ là vấn đề được nhiều Quốc gia chú trọng và quy định chi tiết trong luật. Australia xác định, BLGĐ là bạo lực trên cơ sở giới nên chú trọng các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Trong khi đó, Hàn Quốc đẩy mạnh các biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức về BLGĐ. Năm 2007, Hàn Quốc sửa đổi, bổ sung điều luật liên quan đến PCBLGĐ và bảo vệ người bị hại.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Vấn đề BLGĐ được đưa vào chương trình giáo dục bắt buộc ở các cấp. Nhật Bản, Philippines, Campuchia, Đài Loan, Timor Leste, Malaysia quy định việc tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về quyền con người, BLGĐ, bình đẳng giới,… là một trong những biện pháp phòng ngừa BLGĐ.

Ở Timor Leste, Luật (Law Against Domestic Violence 2010) quy định để phòng ngừa BLGĐ Nhà nước phải: Tạo điều kiện để xây dựng một chương trình giáo dục về quyền con người cho các cấp học; Biên soạn một chương trình giáo dục về quyền con người và các hình thức BLGĐ cho cảnh sát, công tố viên, thẩm phán, luật sư tham gia giải quyết những vụ việc BLGĐ; Cung cấp thông tin cho cộng đồng, lãnh đạo cộng đồng (truyền thống) về quyền con người, BLGĐ.

Quyền của nạn nhân BLGĐ cũng được nhiều nước thể chế hoá. Philippines quy định nạn nhân BLGĐ được đối xử với sự tôn trọng phẩm giá, được trợ giúp pháp lý miễn phí, hưởng các dịch vụ hỗ trợ của Bộ Phúc lợi và các cơ quan địa phương, được hưởng mọi sự bồi thường pháp lý và hỗ trợ theo quy định của Bộ luật gia đình; được thông báo về các quyền và dịch vụ dành cho mình bao gồm cả quyền được nộp đơn đề nghị ra quyết định bảo vệ.

Nạn nhân BLGĐ ở Timor Leste có quyền yêu cầu người phát ngôn và phiên dịch trong toàn bộ quá trình tố tụng, được tham gia vào việc ra quyết định liên quan đến dịch vụ dành cho họ và hưởng tố tụng công bằng, nhanh chóng, đơn giản.

Liên hệ thực tế ở Việt Nam hiện nay, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ còn khá phức tạp. Trong khi đó, ở nhiều nước, những tình huống có thể dẫn tới việc ban hành quyết định bảo vệ nạn nhân BLGĐ có thể được thực hiện ngay cả khi hành vi của người vi phạm chưa đến mức phạm tội và các quyết định đó có thể được ban hành mà không cần chứng cứ thương tích.

Thời hạn quyết định bảo vệ ở các Quốc gia đều khác nhau

Về quyết định bảo vệ khẩn cấp, luật Liên hợp quốc khuyến nghị là 10 ngày và đây cũng là thời hạn tiêu chuẩn trong luật của các nước Australia, Nam Phi và nhiều bang của Hoa Kỳ.

Ở Philippines, quy định này là 15 ngày, Kosovo là 20 ngày, Campuchia là 2 tháng. Về quyết định bảo vệ dài hạn, các nước như NewZealand, Nam Phi, Philippines không quy định cụ thể về thời gian bảo vệ dài hạn, quyết định có thể vô hạn cho đến khi một trong hai bên vợ chồng đề nghị ra Tòa án để bãi bỏ. Một số nơi như Đài Loan, Malaysia, Kosovo quy định 12 tháng, Campuchia quy định 6 tháng.

Các điều kiện được áp đặt trong quyết định bảo vệ thường bao gồm: Cấm thực hiện bất cứ hành vi bạo lực nào mới; Cấm tiếp xúc với nạn nhân; Yêu cầu người vi phạm ra khỏi nhà (Philippines, Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan,..); Cấp dưỡng tạm thời (như một phần của quyết định bảo vệ: Mỹ, Úc, Philippines, Campuchia, Đài Loan, Nam Phi, Kosovo…); Quyết định giao trông nom trẻ; Tịch thu vũ khí; Yêu cầu cảnh sát hộ tống nạn nhân để lấy đồ đạc, vật dụng cá nhân.

Về chế tài đối với vi phạm quyết định bảo vệ, Malaysia quy định trong thời hạn 24h kể từ khi quyết định bảo vệ hoặc quyết định bảo vệ tạm thời được ban hành. Luật sư, tòa án nơi ban hành quyết định bảo vệ tạm thời gửi một bản sao cho sĩ quan chỉ huy của cảnh sát quận nơi cư trú.

Kosovo thì quy định trong vòng 24h, Tòa án phải chuyển quyết định cho nạn nhân, người vi phạm, đồn cảnh sát địa phương và Trung tâm phụ trách công tác xã hội. Vi phạm Quyết định bảo vệ là một tội phạm độc lập và riêng biệt phải chịu phạt tiền hoặc tù ở nhiều bang của Hoa Kỳ, New Zealand, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Australia, Nam Phi.

Nhiều Quốc gia trên thế giới đã thay thế phạt tiền người gây BLGĐ người vợ/chồng bằng hình thức giáo dục bắt buộc, thậm chí phạt tù nhằm răn đe người có hành vi BLGĐ.

Vấn đề hòa giải cũng được phân định khá rõ ở nhiều Quốc gia. Hòa giải có thể hiệu quả đối với các tranh chấp nhỏ nhưng không nên được áp dụng trong các trường hợp bạo lực diễn ra trầm trọng và triền miên. Do đó, Campuchia quy định hòa giải không được áp dụng trong các trường hợp BLGĐ có dấu hiệu trọng tội hoặc tội nghiêm trọng. Luật Timor Leste nghiêm cấm cảnh sát chuyển các vụ BLGĐ cho già làng để hòa giải.

Bên cạnh những vấn đề kể trên, phòng chống BLGĐ và thực thi Luật phòng, chống BLGĐ là một vấn đề hết sức phức tạp. Do đó, các nước trong khu vực ASEAN và nhiều Quốc gia trên thế giới đều tiến hành nghiên cứu đánh giá luật và quá trình triển khai luật thường xuyên. Đây là căn cứ quan trọng để tiến hành sửa đổi, bổ sung luật phòng, chống BLGĐ.

 

 

Nguyễn Sơn