Chiều 27/9, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy, Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin kết quả đấu tranh chuyên án triệt phá đường dây sản xuất trái phép chất ma túy do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu hoạt động tại Kon Tum.
Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, đây là lần đầu tiên lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam cho phép Cục CSĐT tội phạm về ma túy xác lập đấu tranh chuyên án chung giữa Việt Nam với nước ngoài để triệt phá toàn bộ đường dây sản xuất ma túy xuyên quốc gia.
Trước đó, khoảng 6h ngày 6/8/2019, tại khu làng nghề, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum gần 100 cảnh sát thuộc đột kích vào nhà xưởng của Công ty TNHH xuất, nhập khẩu Đồng An Viên khống chế, bắt quả tang 7 đối tượng đều là người Trung Quốc đang có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy.
Trong đó, lực lượng chức năng đã bắt giữ được đối tượng tượng Cai Zi li (tên gọi khác là Thái Tự Lực, SN 1963), trú tại thôn Thủy Dầu, thị trấn An Hải, TP Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc cầm đầu và Song Jian Huang (Tống Kiến Hoàng, SN 1963), trú tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc là đối tượng chủ mưu cầm đầu.
Trong đó, Thái Tự Lực là đối tượng có tiền án chung thân về tội sản xuất trái phép chất ma túy tại Trung Quốc, mới được ra tù. Còn Tống Kiến Hoàng là người có trình độ và có kinh nghiệm trong sản xuất ma túy tổng hợp. Các đối tượng còn lại có nhiệm vụ vận hành máy móc, thiết bị.
Vật chứng thu giữ 140 lít dung dịch dạng sệt, qua giám định nhanh có thành phần Methamphetamine (ma túy đá). Trên 13 tấn hóa chất, tiền chất các loại được đựng trong các thùng phi, can nhựa, thùng nhựa, chai, lọ thủy tinh, bao giấy… phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy. Khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền đang sản xuất trái phép chất ma túy (hệ thống bình phản ứng, máy gia nhiệt, máy li tâm, máy sấy khô…). Với lượng hóa chất, tiền chất nêu trên, nếu sản xuất trót lọt, ước tính các đối tượng sẽ sản xuất 1 tấn ma túy tổng hợp dạng “đá”.
Ngay sau khi bắt quả tang 7 đối tượng người Trung Quốc đang sản xuất ma túy gồm: Cai Zi li; Song Jian Huang (Tống Kiến Hoàng, SN 1963), trú tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; Lyu Yu Zhong (tức Lữ Dư Trọng, SN 1975), trú tại thị trấn Nam An, TP Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc; Yang Yuan De (tức Dương Viễn Đức, SN 1964), trú tại khu Tam Nguyên, TP Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến; Huang Shan Yuang (tức Hoàng Sơn Nguyên), SN 1990, TP Nam An, tỉnh Phúc Kiến; Zhang Qin Shu (SN 1961), trú tại tỉnh Phúc Kiến; Cai Si Yuan (tức Thái Tư Viện, SN 1946, trú tại tỉnh Phúc Kiến. Và 1 đối tượng Sàn Khuấn Sáng (Tức Trần, SN 1976), trú tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh- chuyên phiên dịch, mua tiền chất cho các nhóm đối tượng người Trung Quốc...
|
|
Thái Tự Lực và số tang vật bị thu giữ. |
Bộ Công an và các đơn vị địa phương đồng loạt triển khai 10 tổ công tác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước tiến hành khám xét và triệu tập các đối tượng để lấy lời khai, xác minh, thu thập chứng cứ. Tại các địa điểm khám xét nêu trên, lực lượng chức năng thu giữ 157 thùng hóa chất các loại, 380 bao hóa chất dạng bột, 84 can hóa chất các loại sử dụng vào sản xuất ma túy tổng hợp.
Sau khi triệt phá đường dây tại Việt Nam, đoàn công tác của Bộ Công an Trung Quốc đã đến Kon Tum phối hợp với Cục CSĐT tội phạm về ma túy trao đổi các thông tin, tài liệu, củng cố chứng cứ phục vụ truy bắt các đối tượng có liên quan hoạt động ở Trung Quốc.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 8 đối tượng, Công an Trung Quốc khởi tố bị can 18 đối tượng. Hiện nay lực lượng chức năng 2 nước vẫn tiếp tục phối hợp điều tra mở rộng triệt để chuyên án này.
Thiếu tướng Phạm Văn Các cho biết tại buổi họp báo, trong các tiền chất thu giữ, có tiền chất các đối tượng nhập từ Trung Quốc, còn một số tiền chất khác mua ở Việt Nam. Với số lượng gần 30 tiền chất thu giữ, nhiều tiền chất chưa nằm trong danh mục cấm ở Việt Nam.
Tội phạm Trung Quốc chọn Việt Nam làm nơi sản xuất ma túy
Trung tướng Phạm Văn Các cho biết thêm, từ năm 2018, Công an Trung Quốc đã triệt phá nhiều xưởng sản xuất ma túy ở nước này. Đây là nguyên nhân để các nhóm tội phạm Trung Quốc tìm địa bàn ở các quốc gia khác.
Đầu năm 2019 các lực lượng trinh sát của Cục và các lực lượng khác phát hiện nhóm người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau. Nhóm người này xuất hiện đầu tiên ở tỉnh Bình Định, thuê nhà xưởng vận chuyển thiết bị, tiền chất. Trong đó có một số tiền chất nhập từ Trung Quốc một số mua ở Việt Nam.