Chiều tối ngày 04/09/2018, ông Nguyễn Đình Trung - Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho biết vừa ký quyết định kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm vụ cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại 6.126,8 tỉ đồng cho Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB (nay là Ngân hàng TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam – CB Bank).

Theo kháng nghị, Viện KSND cấp cao đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng, không áp dụng án treo cho 4 bị cáo: Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh, vì 4 bị cáo là đồng phạm, giúp sức Danh gây thiệt hại trong vụ án; không khấu trừ hậu quả và thu hồi 4.500 tỉ đồng đối với CB Bank.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phạm Công Danh

Về hình phạt, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng TAND TP.HCM áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo đối với 4 bị cáo nêu trên là trái với quy định pháp luật. Lý do, kháng nghị nêu, trong đại án VNCB giai đoạn 1 xét xử vào năm 2016, cả 4 bị cáo đều được tuyên hưởng án treo, nay tiếp tục bị xét xử về một tội phạm khác nhưng vẫn được TAND TP.HCM áp dụng án treo là vi phạm Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán quy định về những trường hợp không cho hưởng án treo, trong đó tại khoản 3 là: “người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo”.

Viện trưởng Nguyễn Đình Trung nhận định, số tiền tăng vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng là của Phạm Công Danh và quyết định thu hồi số tiền này là không có căn cứ: Thứ nhất, không có căn cứ hợp pháp để cho rằng số tiền 4.500 tỷ đồng dùng tăng vốn điều lệ là của bị cáo Phạm Công Danh vì số tiền này Danh có được từ quan hệ tín dụng đi vay, các hồ sơ vay tiền là hồ sơ khống, các quan hệ tín dụng này đã được xác định là trái pháp luật. Số tiền 4.500 tỷ đồng ngoài việc hình thành từ các quan hệ tín dụng trái luật, còn trên cơ sở tài sản đảm bảo là 06 lô đất bị nâng khống giá trị lên nhiều lần. Do vậy, không thể xác định số tiền này là tài sản hợp pháp của Phạm Công Danh. 

Thứ hai, số tiền 4.500 tỷ đồng đã được Phạm Công Danh sử dụng hết, nay buộc VNCB trả lại là không phù hợp vì, sau khi Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng thì Phạm Công Danh không chỉ đạo trả lại 4.500 tỷ đồng cho các cổ đông góp vốn mà giữ lại sử dụng hết. Khi Nhà nước tiếp quản VNCB, ngân hàng đang trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu, tổng nợ phải trả lớn hơn tổng tài sản, Nhà nước phải bù lỗ để giải quyết các hậu quả thiệt hại. Nay Ngân hàng TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam – CB Bank (100% vốn Nhà nước) phải gánh chịu toàn bộ số tiền 4.500 tỷ đồng mà Phạm Công Danh sử dụng, nghĩa là Nhà nước tiếp tục bị thiệt hại số tiền này là không phù hợp với quy định pháp luật.

Thứ ba, số tiền 4.500 tỷ đồng chưa được hạch toán tăng vốn điều lệ cho VNCB vì Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận dùng tiền vay để tăng vốn điều lệ, nên không có cơ sở pháp lý buộc VNCB trả lại số tiền này.

Thứ tư, 4.500 tỷ đồng không phải là đối tượng giải quyết của vụ án và không phải là vật chứng vụ án, nhưng bản án sơ thẩm nhận định trong số tiền 4.500 tỷ đồng có 2.371.040.426.287 đồng từ khoản vay của TPBank và BIDV được xem là vật chứng vụ án nên xem như đã thu hồi, chỉ phải thu hồi số tiền còn lại là 2.128.959.573.713 đồng, nghĩa là coi 4.500 tỷ đồng là đối tượng của hành vi phạm tội, là vật chứng của vụ án phải thu hồi nhưng không chứng minh được số tiền 4.500 tỷ đồng thuộc hành vi phạm tội nào trong vụ án.

Như vậy, CB Bank vừa gánh chịu toàn bộ số tiền mà Danh sử dụng, rồi tiếp tục phải trả lại 4.500 tỉ đồng cho Danh là không phù hợp với quy định pháp luật; 4.500 tỉ đồng không phải là vật chứng của vụ án nên không có cơ sở thu hồi.

Phi Sơn