Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9/7/2023 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Chỉ thị nêu rõ: Thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các quy định của pháp luật chuyên ngành, thời gian qua công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp và khai thác thông tin lý lịch tư pháp đã đi vào nền nếp và có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cũng như người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính quy định phải có Phiếu lý lịch tư pháp; một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp làm cơ sở tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động; một số tỉnh, thành phố chưa chủ động giải quyết để kịp thời đáp ứng việc tiếp nhận hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp tăng đột biến thời gian gần đây, dẫn tới tình trạng chậm trễ, ùn ứ gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân chính của tồn tại, hạn chế trên là do nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về Phiếu lý lịch tư pháp và pháp luật về lý lịch tư pháp chưa đầy đủ; các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chưa chủ động thực hiện quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp mà chủ yếu yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người dân phải nộp; chưa chủ động rà soát các quy định của pháp luật có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong thủ tục hành chính để cắt giảm hợp lý.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất và việc tổ chức công việc tại một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu trước nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp tăng cao.

leftcenterrightdel
 Tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp (Ảnh minh họa) 

Để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế nguyên nhân nêu trên, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhằm tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí xã hội cho người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, tuân thủ đúng quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp; có các giải pháp hiệu quả và tiến tới chấm dứt yêu cầu người dân nộp Phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định.

Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả ngay một số nhiệm vụ như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, nhằm hạn chế tình trạng yêu cầu người dân nộp Phiếu lý lịch tư pháp phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trong ngành, lĩnh vực quản lý; có biện pháp chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp của tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm giữ bí mật thông tin lý lịch tư pháp theo quy định.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để cắt giảm yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý trong thực hiện thủ tục hành chính; các cơ quan nhà nước chủ động thực hiện quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp, không yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người dân phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp; có các giải pháp phù hợp, hiệu quả ngăn chặn tình trạng yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp gây khó khăn, phát sinh chi phí; kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư không đúng quy định pháp luật gây khó khăn, phát sinh chi phí cho người dân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm các quy định, thủ tục này trong tháng 8 năm 2023.

Nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ, số hóa và tái sử dụng theo đúng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023; quan tâm bố trí nguồn nhân lực, điều kiện làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lý lịch tư pháp bảo đảm theo đúng quy định pháp luật hiện hành, phù hợp yêu cầu, điều kiện thực tiễn của bộ, cơ quan, địa phương.

Cùng với việc đề cập đến trách nhiệm của Bộ Tư pháp; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ thị cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ Công an.

Theo đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, TAND tối cao, VKSND tối cao và các cơ quan liên quan kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, Cơ sở dữ liệu của cơ quan thi hành án dân sự, Cơ sở dữ liệu do ngành Công an quản lý, Cơ sở dữ liệu của Bộ Quốc phòng, TAND tối cao, VKSND tối cao phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định pháp luật.

P.V