Ngày 17/6, tin từ VKSND tỉnh Hà Giang cho biết, liên quan đến hoạt động khai thác rừng trái phép xảy ra tại xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, cơ quan này đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Trần Quang Đường (SN 1976), cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Mê; phê chuẩn khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Hoàng Anh Quang (SN 1980), cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Mê để cùng điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 360, Bộ luật Hình sự.

leftcenterrightdel
 Cơ quan CSĐT công bố quyết định khởi tố bị can Trần Quang Đường.
Theo cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hà Giang, qua điều tra đã xác định, với chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình công tác, bị can Trần Quang Đường và Hoàng Anh Quang đã không thường xuyên xuống địa bàn để nắm tình hình, kiểm tra thực tế diện tích rừng được giao quản lý, dẫn đến xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép lớn nhất ở Hà Giang trong thời gian dài nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng với trên 140 cây gỗ nghiến (nhóm IIA) bị chặt hạ trái phép, có giá trị trên 7 tỉ đồng.

Như vậy, liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tính đến nay, ngoài hơn 20 đối tượng khai thác rừng trái phép đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Bắc Mê khởi tố, còn có 3 cán bộ kiểm lâm bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang khởi tố.

Cũng liên quan đến vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này, tháng 10/2021, VKSND tỉnh Hà Giang đã ra  phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Tiến Hơn (SN 1974, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Thượng Tân, huyện Bắc Mê, được giao trực tiếp phụ trách địa bàn xã Minh Ngọc) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

leftcenterrightdel
 Những cây nghiến hàng trăm năm tuổi bị chặt hạ trái phép tại vùng lõi rừng đặc dụng Du Già.
Trước đó, đầu tháng 7/2021, Báo Bảo vệ pháp luật đã đăng tải loạt phóng sự điều tra ““Chảy máu” rừng đặc dụng Du Già”, phản ánh tình trạng khai thác rừng trái phép xảy ra tại 2 thôn Lùng Càng và Khâu Lừa, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê. Nhiều người cho rằng, đây là vụ phá rừng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay tại Hà Giang.

Theo điều tra của phóng viên, tại xã Minh Ngọc có 3 loại rừng, gồm: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất đều được giao cho các chủ rừng. Rừng đặc dụng được giao cho Ban Quản lý rừng đặc dụng quản lý; rừng phòng hộ được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý và rừng sản xuất được giao cho xã và các cộng đồng dân cư thôn, bản quản lý. Và ở cả 3 loại rừng này đều có các cây gỗ nghiến bị chặt hạ trái phép, nhưng số lượng cây gỗ nghiến bị chặt hạ trái phép nhiều nhất và nghiêm trọng nhất là tại vùng lõi rừng đặc dụng Du Già.

leftcenterrightdel
 Cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang xác định, đây là vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương này.
Cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang xác định, đây là vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương này. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng xác định có 217 cây gỗ quý hiếm thuộc nhóm IIA, chủ yếu là cây gỗ nghiến, với khối lượng hơn 1.764m3 đã bị chặt hạ trái phép tại nhiều cánh rừng thuộc địa bàn xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, trong số này, có hàng trăm cây được phát hiện tại khu vực thuộc vùng lõi rừng đặc dụng Du Già.

Quá trình điều tra, căn cứ tính chất, mức độ của vụ việc, tính đến nay, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bắc Mê đã khởi tố 12 vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” với hơn 20 bị can. Và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố 2 vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, với 3 bị can  nguyên là cán bộ kiểm lâm thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Du Già, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Mê và Hạt kiểm lâm huyện Bắc Mê.

Hiện, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hà Giang vẫn tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ những đối tượng liên quan đến vụ phá rừng này để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

H.Nguyên