Ngày 7-5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết vừa tiếp nhận hồ sơ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại trường TCNKT&NVXDHN do Công an quận Hai Bà Trưng chuyển tới. Theo đó, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Tiến Hiệp (52 tuổi), Hiệu trưởng trường TCNKT&NVXDHN, Lê Thị Nhạn (42 tuổi), cán bộ của trường về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan CSĐT cũng khởi tố 2 bị can khác là Mai Hiển Quế (30 tuổi) và Phạm Thị Phương Thanh (28 tuổi), cùng ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, về tội “Giả mạo trong công tác”.
Đầu mối của vụ án bắt nguồn từ việc ngày 14-7-2017, tổ công tác Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện 2 công dân ở Thái Nguyên giao dịch qua mạng Internet đặt mua của vợ chồng Mai Hiển Quế và Phạm Thị Phương Thanh một chứng chỉ sơ cấp nghề của trường TCNKT&NVXDHN với giá 1,2 triệu đồng. Sau đó người mua đã nhận được chứng chỉ thông qua dịch vụ bưu điện. Điều tra theo “đường đi” của chứng chỉ nghề này, Cơ quan công an đã làm rõ sai phạm của các cán bộ trường này.
Theo tài liệu của CQĐT, trường TCNKT&NVXDHN được thành lập từ năm 2004 và được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cấp phép hoạt động đào tạo nghề từ năm 2008. Theo chức năng, nhiệm vụ thì nhà trường được phép tổ chức đào tạo, thi, kiểm tra và cấp các loại chứng chỉ sơ cấp nghề gồm: Vận hành máy xây dựng, vận hành máy đóng cọc, kỹ thuật xây dựng, mộc xây dựng và trang trí nội thất, cấp thoát nước, tin học văn phòng, văn thư - hành chính... Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề này có giá trị đến ngày 15-1-2010.
|
|
Các đối tượng Vũ Tiến Hiệp, Lê Thị Nhạn, Mai Hiển Quế, Phạm Thị Phương Thanh. |
Tháng 12-2009, ông Vũ Tiến Hiệp được UBND TP Hà Nội bổ nhiệm làm hiệu trưởng nhà trường; đến ngày 28-1-2015 được Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà nội ký quyết định bổ nhiệm lại giữ chức vụ hiệu trưởng thời hạn 5 năm.
Mặc dù giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề của nhà trường đã hết hạn ngày 15-1-2010 nhưng từ giữa năm 2011, ông Vũ Tiến Hiệp đã chỉ đạo Phòng Đào tạo tìm các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu làm chứng chỉ sơ cấp nghề cho công nhân viên để ông Hiệp ký hợp đồng đào tạo, cấp chứng chỉ.
Tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp mà việc đào tạo và thi có thể được tiến hành tại nhà xưởng nơi làm việc của doanh nghiệp trong thời gian từ 1 đến 10 ngày, hoặc có trường hợp không cần qua đào tạo và thi vẫn được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Số tiền bán chứng chỉ thu về được nhập quỹ trường dưới hình thức lệ phí ôn tập, kiểm tra, cấp chứng chỉ... và chi cho các hoạt động của nhà trường.
Đến giữa năm 2004, Lê Thị Nhạn được Vũ Tiến Hiệp bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tổ chức hành chính, giao cho phụ trách việc liên hệ làm hợp đồng đào tạo cấp chứng chỉ với các doanh nghiệp, làm và in chứng chỉ, quản lý thu chi của trường.
Ngoài các doanh nghiệp có ký hợp đồng, Hiệp còn cho Nhạn làm và bán chứng chỉ sơ cấp nghề cho những cá nhân có nhu cầu. Người được cấp chứng chỉ không phải qua học, thi và hợp thức bằng việc ghép tên vào danh sách các lớp đã được đào tạo trước đó.
Sau khi có “cơ chế” làm chứng chỉ cho những người “không cần học cũng được cấp” do Vũ Tiến Hiệp chỉ đạo, Lê Thị Nhạn đã móc nối với vợ chồng Mai Hiển Quế và Phạm Thị Phương Thanh để làm chứng chỉ sơ cấp nghề bán cho nhiều người, thu lợi bất chính.
Theo đó, Quế và Thanh sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân như Facebook, Zalo đăng các thông tin quảng cáo về việc cung cấp các loại chứng chỉ sơ cấp nghề. Khi có người liên hệ, Quế và Thanh yêu cầu họ cung cấp các thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, ảnh chụp chân dung, ảnh photo CMND... gửi qua Zalo và thỏa thuận giá mua chứng chỉ.
Sau đó, Quế và Thanh chuyển tiếp các thông tin cho Lê Thị Nhạn. Nhạn nhập các thông tin này vào máy tính để in lên các phôi chứng chỉ sơ cấp nghề được đặt mua từ NXB Lao động xã hội rồi sử dụng dấu đỏ, dấu nổi của trường TCNKT&NVXDHN cùng dấu tên, dấu chữ ký của Vũ Tiến Hiệp do Nhạn quản lý đóng lên các chứng chỉ được in ra.
Mỗi chứng chỉ vợ chồng Quế bán ra từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, chuyển cho Nhạn 500.000 đồng. Sau khi Nhạn làm xong chứng chỉ, vợ chồng Quế nhận rồi gửi cho người mua thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh “COD” (Bưu điện gửi hàng và thu tiền hộ). Việc bán chứng chỉ giả đã trót lọt một thời gian dài.
Ngoài chứng chỉ sơ cấp nghề, các đối tượng Hiệp và Nhạn còn bán chứng nhận nâng bậc thợ với giá 50.000 đồng/chiếc. Tiền bán chứng chỉ, chứng nhận được Hiệp và Nhạn sử dụng để trả lương, thưởng cho nhân viên và các hoạt động khác của trường.
CQĐT đã có căn cứ xác định bị can Vũ Tiến Hiệp cùng các nhân viên cấp dưới đã ký hợp đồng đào tạo và cấp chứng chỉ với hình thức nêu trên với khoảng 53 đơn vị, doanh nghiệp (trong đó có 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam) có trụ sở tại 14 tỉnh, thành phố, cấp chứng chỉ cho 780 người.
Cơ quan Công an đã xác minh 27 doanh nghiệp ký hợp đồng đào tạo với trường TCNKT&NVXDHN với tổng số tiền giao dịch theo hợp đồng là trên 1 tỷ đồng, xác định trong đó có 5 doanh nghiệp ký hợp đồng nhưng thực tế công nhân không được đào tạo, kiểm tra sát hạch nhưng vẫn được cấp chứng chỉ.
Quá trình khám xét nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng, Cơ quan công an đã thu giữ hàng nghìn chứng chỉ và giấy chứng nhận, CMND, trong đó có 787 chứng chỉ sơ cấp nghề và 480 giấy chứng nhận nâng bậc thợ đã có đầy đủ thông tin người được cấp ở 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Số chứng chỉ, chứng nhận này đã có chữ ký và con dấu đỏ của trường TCNKT&NVXDHN.
Để phục vụ điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội yêu cầu những cá nhân đã được trường TCNKT&NVXDHN cấp các chứng chỉ từ thời gian tháng 1-2010 đến nay, liên hệ cơ quan CSĐT để giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, gặp điều tra viên Ngô Xuân Bách, Đội 10 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội, điện thoại: 0934516433.
Theo cand.com.vn