(BVPL) - Thông tin vừa được báo chí đăng tải về việc cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt đối tượng buôn bán, vận chuyển tiền giả qua biên giới thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Bởi, hơn một năm trở lại đây, do các cơ quan chức năng đặc biệt “quan tâm” đến loại tội phạm nguy hiểm này, nên vấn nạn tiền giả đã giảm mạnh cả về số vụ, lượng tang vật và tính chất nghiêm trọng…

Lại “báo động đỏ”

Theo báo cáo của cơ quan Công an và Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành biên giới, hơn một năm trở lại đây, tình hình tội phạm tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có phần giảm “sức nóng” do các ngành chức năng trên địa bàn đã làm tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm tiền giả. Đồng thời, việc phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, thu hồi số lượng lớn tiền giả, đã thực sự có tác dụng trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác cho quần chúng nhân dân và răn đe, trấn áp các đối tượng có hành vi lưu hành, tiêu thụ tiền giả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình tội phạm tàng trữ và lưu hành tiền giả trên các địa bàn địa bàn lại diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số vụ và số lượng với tính chất nghiêm trọng. Tiền giả thường từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam thông qua đường biên giới phía Bắc với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, sau đó đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh trên cả nước. Đặc biệt, các đối tượng không chỉ buôn bán tiền giả là đồng Việt Nam mà còn có sự xuất hiện của các loại ngoại tệ khác như đô la Mỹ, Euro, Nhân dân tệ (tiền Trung Quốc), đô la Hồng Kông, đồng Bạt (Thái Lan)... Nếu như trong giai đoạn trước, tiền giả chủ yếu lưu hành ngoài thị trường thì hiện nay tiền giả đã len lỏi cả vào hoạt động của hệ thống ngân hàng, kho bạc Nhà nước, hệ thống kho quỹ của các cơ quan doanh nghiệp.

Mới đây nhất, vào ngày 20-11, Công an tỉnh Lạng Sơn đã triệt phá vụ vận chuyển tiền giả với số lượng lớn từ Trung Quốc về Việt Nam. Kiểm đếm tại hiện trường, Cơ quan điều tra xác định đối tượng Hoàng Mai Phương (SN 1971, trú tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã vận chuyển 462 triệu đồng tiền giả, có cùng mệnh giá 200.000 đồng được xác định có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trước đó, ngày 17-11, cũng tại Lạng Sơn, qua công tác trinh sát, Công an Lạng Sơn phát hiện một đối tượng tên là Bế Ngọc Hoàng (trú tại thị trấn Đồng Đăng - Lạng Sơn) đang có hành vi vận chuyển tiền giả từ khu vực biên giới phía Bắc về Hà Nội tiêu thụ. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Hoàng khai nhận, toàn bộ tang vật 200.000 USD giả được một đối tượng người Trung Quốc thuê y vận chuyển qua cửa khẩu Cốc Nam về Việt Nam với giá 4 triệu đồng. Khi nào giao tiền cho khách Việt Nam thì Hoàng sẽ nhận phí vận chuyển là 30 triệu đồng.

 

Một ổ nhóm vận chuyển, lưu hành tiền giả bị Công an TP.Hà Nội triệt phá.
Một ổ nhóm vận chuyển, lưu hành tiền giả bị Công an TP.Hà Nội triệt phá.

 

Ngày 11-11, tại địa bàn phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa, lực lượng công an đã bắt quả tang Huỳnh Thị Thành (SN 1977, trú tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), đang có hành vi lưu hành tiền giả. Tang vật thu được trên người Thành bao gồm 49 triệu đồng tiền giả (mệnh giá 200.000 đồng).

Cần “đánh rắn giập đầu”

Các vụ việc điển hình nêu trên cho thấy, tình trạng tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đã trở lại với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Theo một cán bộ có kinh nghiệm nhiều năm đấu tranh với hoạt động buôn bán tiền giả của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an Lạng Sơn, nguồn gốc tiền giả thường xâm nhập vào Việt Nam thông qua đường biên giới phía Bắc. Nếu như trước đây tiền giả thu được chủ yếu có mệnh giá thấp để dễ lưu hành thì thời gian gần đây, số tiền giả thu được lại có mệnh giá lớn. Điều đáng lo ngại là hiện nay, tiền giả được làm ở nước ngoài với công nghệ hiện đại, áp dụng kỹ thuật tạo ra các sợi phát quang dưới máy soi khi kiểm tra tiền giả, vì vậy, các loại máy soi tiền thông dụng không thể phát hiện được, cần phải có những máy soi chuyên dụng. Điều này đã hạn chế kết quả đấu tranh, ngăn chặn và rất khó trong việc làm rõ ý thức chủ quan của người lưu hành tiền giả.

Về thủ đoạn, các đối tượng buôn bán tiền giả thường hình thành những đường dây, ổ nhóm để vận chuyển tiền giả. Sau khi đưa tiền qua biên giới chúng thường thuê người không quen biết vận chuyển, nếu bị phát hiện thì lực lượng chức năng chỉ bắt giữ được đối tượng vận chuyển thuê mà không tìm được đối tượng chủ mưu thực sự. Trường hợp đối tượng Bế Ngọc Hoàng vận chuyển 200.000 USD giả bị phát hiện tại Lạng Sơn là một ví dụ, theo đó, tên này không trực tiếp sang Trung Quốc lấy hàng mà sử dụng điện thoại di động (sim thuê bao trả trước) để liên lạc thỏa thuận giá cả, số lượng, địa điểm giao hàng, ám tín hiệu khi giao nhận tiền giả. Ngoài ra, để đưa được tiền giả qua biên giới, các đối tượng thường sử dụng rất nhiều cách thức tinh vi để qua mắt cơ quan chức năng, từ việc quấn tiền quanh người, cất trong đồ lót, túi xách, giày dép đang đi cho đến việc cất giấu tiền giả lẫn với các hàng hóa, đồ vật khác.

Về phương thức lưu hành tiền giả, đối tượng tiêu thụ tiền giả thường chọn những nơi trình độ dân trí thấp, ít có khả năng phân biệt giữa tiền thật và tiền giả hoặc những nơi đông người, có khách vãng lai đến tham quan, du lịch.

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu của sự gia tăng hoạt động tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thời gian gần đây là do các đối tượng phạm tội đã tăng cường làm giả các loại tiền có mệnh giá lớn, với độ giống thật cao. Bên cạnh đó, việc triệt phá tận gốc những ổ nhóm tiền giả của các cơ quan chức năng còn gặp phải nhiều khó khăn do hầu hết tiền giả được đưa từ nước ngoài vào. Chính vì vậy để hạn chế việc tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, bên cạnh việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan ban ngành chức năng để có thể “đánh rắn giập đầu”, ngăn chặn tiền giả ngay từ cửa khẩu biên giới.
 

Bình Ngân

.