Đó là ý kiến đại biểu trong phiên họp "Thực trạng, giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới góp phần ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 7/1.

 

Càng gần Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu tại các khu vực biên giới lại xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp.
Càng gần Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu tại các khu vực biên giới lại xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp.
 
Lực lượng chồng chéo, hoạt động chưa hiệu quả
 
ĐB Nguyễn Thế Trường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc phòng chống buôn lậu chưa đạt hiệu quả cao: Thứ nhất là chế tài, thứ hai là sự phối kết hợp. "Chúng ta có 5 cơ quan có chức năng xử lý hành chính. Lực lượng hùng mạnh, nhưng hoạt động rời rạc, chồng chéo". 
 
Về phía Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu thẳng thắn thừa nhận: Có lực lượng kiểm dịch, thú y hợp thức hóa giấy kiểm dịch cho hàng buôn lậu gia cầm.
 
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, lực lượng phòng, chống buôn lậu chưa làm tốt nhiệm vụ. “Vẫn lấp ló tiêu cực bỏ qua cho buôn lậu. Ở đâu cũng mua được hàng lậu, hàng giả, trốn thuế. Trong khi, lực lượng quản lý thị trường yếu. Nếu lực lượng vẫn như thế này, thì vẫn là đất sống cho buôn lậu".
 
ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: "Tôi nhận được nhiều tố cáo liên quan đến lực lượng quản lý thị trường. Biên chế hơn 5.000 người, hiệu quả đem lại có tương xứng với chi phí nuôi bộ máy hay không?"
 
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận: "Hàng năm Chính phủ đều họp và đánh giá trong năm. Trong báo cáo chung hay báo cáo của các ngành đều nhận định có tiêu cực lực lượng quản lý thị trường. Đây là một hạn chế của lực lượng quản lý thị trường. Là nguyên nhân làm hiệu quả phòng chống buôn lậu bị hạn chế, dù có cố gắng".
 
Khung hình phạt quá thấp
 
Ngoài những nguyên nhân đến từ nội tại bộ máy phòng chống buôn lậu, nhiều đại biểu còn chỉ ra rằng, nguyên nhân còn do cơ chế chính sách, pháp luật quy định chưa thực sự nghiêm khắc. ĐB Nguyễn Hữu Hùng, Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội đặt vấn đề: "Buôn lậu qua biên giới diễn biến phức tạp. Dường như chúng ta chưa có giải pháp để ngăn chặn, mà có sự bao che tiếp tay trong buôn lậu. Thế nhưng việc xử lý hình sự những trường hợp này là rất ít".
 
Trao đổi về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an dẫn chứng: Có vụ bắt được hàng lậu trị giá hơn chục tỷ, nhưng chủ hàng lại thuê chứng minh thư của người dân, rồi thuê họ vận chuyển nên cũng không xử lý hình sự được. Từ đó ông Lực đề xuất: "Nên quy định hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ là được xử lý".
 
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: "Một trong những giải pháp quan trọng tới đây là hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bộ đã hoàn thiện, trình Chính phủ “Chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại” từ nay đến năm 2020. Nhiều quyết định, thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể hoạt động đấu tranh với buôn lậu cũng đang được hoàn thiện”,
 
Buôn lậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trong nước
 
Về những ảnh hưởng của vấn nạn buôn lậu đến nền kinh tế trong nước, đại biểu Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét: "Chúng ta chưa đánh giá hết hệ quả nghiêm trọng của việc hàng giả. Hệ quả là phá hoại nền kinh tế Việt Nam, làm mất niềm tin tất cả doanh nghiệp, kể cả ngành nông nghiệp Việt Nam. Phải chăng tiêu cực trong chính những người chống tiêu cực là gốc chứ đừng đổ cho cơ chế. Nếu không nhìn nhận lại, thì không giải quyết được vấn đề"
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ: "Nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhái, thực phẩm không những tác động đến nền kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, giống nòi. Nguyên nhân chính là do hệ thống chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, còn chồng chéo, thiếu cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế".
 
Theo bà Ngân, các tuyến buôn lậu ở các địa bàn khác nhau. Song sự bố trí lực lượng giữa các ngành chức năng chưa hợp lý, có nơi bỏ trống, có nơi lại hai, ba lực lượng. Chính vì lẽ đó, bà Ngân yêu cầu cần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống buôn lậu tới doanh nghiệp và người dân; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cần tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng hơn cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt.
 
Theo ĐS&PL