Hiện nay tại TP.HCM, nhiều loại mũ bảo hiểm (MBH) được bày bán trên thị trường, dù được dán tem, nhãn hàng hóa với đầy đủ thông tin (tên công ty, địa chỉ sản xuất…), nhưng khi tìm hiểu thực tế, thì phần lớn đó là những công ty, địa chỉ ma, tem hợp quy “giả” nhằm che mắt người tiêu dùng.
|
Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục Phó Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM kiểm tra MBH |
Lực lượng quản lý thị trường TPHCM đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh MBH rởm, kém chất lượng. Tuy nhiên việc kiểm tra, xử phạt vẫn chưa đủ mạnh để xử lý triệt để vấn nạn này. Dọc đường Nguyễn Trãi (Q.5), Thành Thái (Q.10)... được xem là “thủ phủ” của MBH giả. Các loại mũ này có đủ kiểu dáng, màu sắc... với mức giá chỉ vài chục ngàn đến một trăm ngàn.
Có rất nhiều vụ tai nạn giao thông để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng bắt nguồn từ việc đội MBH kém chất lượng. |
Theo tìm hiểu, tại một điểm bán MBH lề đường Nguyễn Trãi (Q.5), cầm trên tay chiếc MBH loại 40.000 đồng, nhận thấy trọng lượng nhẹ, không xốp, chỉ có lớp vỏ bằng nhựa mỏng, dễ dàng bị uốn cong bằng tay, trên mũ không dán tem, không địa chỉ sản xuất.
Khi PV thắc mắc, chủ sạp lấy ra một chiếc mũ khác mà theo người này là “đạt chuẩn”, có đủ ba thành phần: vỏ mũ, đệm bảo vệ và quai đeo. Trên mũ dán tem CR do Quatest cấp, bên cạnh nhãn hàng hóa còn ghi cụ thể tên đơn vị sản xuất là Công ty TNHH Đông Dương, địa chỉ số 224 đường Chiến Lược, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân. Tuy nhiên, khi lần theo địa chỉ ghi trên chiếc mũ, PV phát hiện đó lại một tiệm sửa xe máy. Anh Quốc Hữu Phước chủ tiệm sửa xe nói với PV: “Gia đình tôi đã sống ở đây hơn 10 năm và không có Công ty sản xuất MBH nào tên Đông Dương ở địa chỉ này. Trước đây cũng có lần công an cũng tìm tới hỏi về công ty này”.
Xoay quanh việc xử lý sản xuất, kinh doanh MBH rởm, kém chất lượng trên địa bàn TP. Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục Phó Chi cục QLTT TP. HCM cho biết: “Đối với những MBH bày bán tràn lan trên đường có dán tem CR, in tên, địa chỉ đơn vị sản xuất trên mũ, nhưng khi xác minh thực tế tên, địa chỉ không có thật thì đó là tem CR giả, mũ rởm, kém chất lượng.
Nguy hiểm khi sử dụng MBH “rởm”
Có rất nhiều vụ tai nạn giao thông để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng bắt nguồn từ việc đội MBH kém chất lượng. Khi tai nạn xảy ra, MBH chất lượng kém sẽ không có tác dụng giảm chấn thương và hạn chế tối đa lực tác động do va chạm với phần đầu người đội, mũ cũng có thể vỡ ra và gây thương tích cho người đội, rất dễ dẫn tới chấn thương sọ não.
|
|
Lượng MBH không đạt chất lượng đang được bán với số lượng lớn và được người tiêu dùng ưa thích vì rẻ, thời trang và đối phó với cảnh sát giao thông.
Để khắc phục, trong thời gian tới Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH. Ngoài ra, việc phổ biến cho người tiêu dùng các kiến thức phân biệt MBH cũng được đẩy mạnh.
Hàng năm, Công ty Protec sản xuất trên dưới 500.000 chiếc MBH đạt chuẩn. Trong khi năng lực sản xuất cao hơn rất nhiều vậy mà số mũ này bán không hết. 1/10 số MBH sản xuất ra được dùng làm từ thiện. Giá mỗi chiếc MBH công ty bán ra 150.000-300.000 đồng, có khi còn cao hơn. Trong khi đó, giá một chiếc MBH giả chỉ có giá 30.000 đồng, rẻ hơn 10 lần. Những nhà đầu tư nước ngoài sản xuất MBH ở Việt Nam ngày càng khó khăn khi không cạnh tranh được với MBH rởm.
Để cải thiện tình trạng MBH không đảm bảo chất lượng trên thị trường, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có phối hợp với các bộ để tiến hành siết chặt quản lý và xử phạt đối với những trường hợp đội MBH không phải là MBH trên thị trường.
Theo quy định mới này, yêu cầu đối với MBH phải có đủ 3 lớp: Lớp vỏ nhựa, lớp xốp chống xung động bên trong và quai mũ. Tuy nhiên, việc có phân biệt được MBH đạt chuẩn hay không lại là một thách thức đối với lực lượng chức năng.
|
|
Khó kiểm soát MBH do vướng “chính sách”
Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng việc xử phạt các vi phạm về MBH chưa nghiêm. Hơn nữa, không thể áp dụng quy định xử lý vi phạm về quy định kỹ thuật theo Nghị định số 80/2013/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính trong SXKD MBH không đúng quy định, dẫn đến việc bày bán tràn lan nhiều nơi. Do đó, lực lượng QLTT chỉ xử lý được lỗi vi phạm về nhãn hàng hóa mà không có căn cứ xử lý vi phạm về kỹ thuật của MBH nên vấn đề còn nhiều bất cập.
Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục Phó Chi cục QLTT TP.HCM cho biết: “ Việc xử lý kiểm tra các đối tượng sản xuất MBH không đạt chất lượng rất phức tạp. Hiện nay các đối tượng này thường chọn địa điểm vùng sâu vùng xa làm nơi sản xuất. Một chiếc MBH nhưng các bộ phận có thể sản xuất ở nhiều điểm khác nhau. Khi có đơn hàng thì họ láp ráp lại, dán nhãn để bán gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý. Còn đối tượng mua bán MBH dỏm, kém chất lượng trên các lề đường đa phần không thường trú tại TPHCM, việc kinh doanh luôn di động, khi các lực lượng kiểm tra thì họ gom hàng tẩu tán, khi các lực lượng kiểm tra đi khỏi thì họ lại bày bán. Vì vậy, nếu chỉ mỗi lực lượng QLTT thì xử lý không xuể. Do đó, cần có sự quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương”.
Được biết, theo một số liệu thống kê từ đầu năm đến nay QLTT TPHCM đã kiểm tra phát hiện 62 vụ buôn bán MBH nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tịch thu 3.012 mũ và 5060 vỏ MBH, 3 vụ sản xuất MBH không thực hiện chứng nhận hợp quy, không đăng ký kinh doanh, thu giữ 1.323 mũ, 803 vỏ MBH, 4.285 tem nhãn, một vụ sản xuất 762 mũ không có giá trị sử dụng.
Theo Người tiêu dùng