Tới thời điểm này, các đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được trên 40 tổ chức, cá nhân; phát hiện phát hiện và xử lý 18 công ty có hành vi vi phạm. Các công ty dược đã nhập khẩu 9.140 kg salbultamol, trong đó bán ra ngoài 6.248 kg...
 

 Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, kinh tế quốc gia.
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, kinh tế quốc gia.


Thời gian gần đây, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong đó nổi cộm lên là tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đây thực sự đã trở thành vấn nạn, gây hoang mang trong dư luận xã hội và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng. Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới giải quyết dứt điểm vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Thanh tra Bộ NN&PTNT đã liên tục thành lập các Đoàn thanh tra về việc thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm. Riêng năm 2015, các Đoàn thanh tra đã tiến hành Thanh tra, kiểm tra được trên 40 Tổ chức, cá nhân; phát hiện phát hiện và xử lý 18 Công ty có hành vi vi phạm; xử phạt VPHC số tiền trên 2.6 tỷ đồng. Cục Thú y đã chỉ đạo các Chi cục lấy 1457 mẫu nước tiểu và 385 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ. Kết quả phát hiện 3 mẫu thịt (chiếm 0,77%), 157 mẫu nước tiểu (chiếm 10,7%) dương tính với Salbutamol.

Nhiều tỉnh đã thành lập các Đoàn thanh tra do Thanh tra Sở NN&PTNT chủ trì đã phối hợp với Cảnh sát kinh tế (PC46), Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49); phối hợp với Chi cục Thú y và các cơ quan, đơn vị chức năng của các tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi. Theo báo cáo, 46/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức kiểm tra 1.129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm (chiếm 2,2%); phát hiện 12/649 mẫu thức ăn chăn nuôi (chiếm 1,8) dương tính với Salbutamol; 69/1026 mẫu nước tiểu (chiếm 6,7%), 1/172 mẫu thịt (chiếm 0,6%) có sử dụng chất cấm Salbutamol.

Để làm rõ thực trạng việc nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng chất Salbutamol, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an đã phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý dược điều tra về số lượng nhập khẩu chất Salbutamol của các Công ty dược và số lượng chất Salbutamol kinh doanh, sử dụng đúng mục đích, chưa đúng mục đích. Theo báo cáo của C49, năm 2014 và 2015, Các Công ty dược đã nhập khẩu 9.140 kg, trong đó có 6.248 kg bán ra ngoài, không đúng đối tượng, sai mục đích. Hiện nay, trong kho của các Công ty dược còn lại khoảng 1.334kg và các công ty dược đang thu hồi 2.025 kg đã phối trộn, tỷ lệ Sabultamol thấp, kém chất lượng. Để đánh giá tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Thanh tra Bộ đã phối hợp với C49 tiến hành kiểm tra lấy 207 mẫu thức ăn chăn nuôi của 32 công ty tại 10 tỉnh để phân tích (59 mẫu phân tích chỉ tiêu Auramine, 148 mẫu phân tích chỉ tiêu Salbutamol). Kết quả phân tích không phát hiện Salbutamol và Auramine trong toàn bộ 207 mẫu.

Trên thị trường hiện tại không còn hiện tượng bầy bán công khai các sản phẩm quảng cáo là “siêu tăng trọng, bông đùi, nở vai” có chứa Salbutamol; các chủ hộ chăn nuôi, các trang trại và gia trại đều được tuyên truyền và biết về tác hại của chất cấm nên cũng có động thái bài trừ các chất này. Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý rất chặt nguồn nhập khẩu và cung cấp Salbutamol nên việc đưa sang chăn nuôi sử dụng sai mục đích đã bị triệt tiêu.

Hiện tại, hầu hết các Nhà máy sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không còn sử dụng chất cấm trộn vào thức ăn chăn nuôi. Ở các tỉnh phía Bắc từ sau Tết âm lịch qua kiểm tra chưa phát hiện được trang trại, lò mổ sử dụng chất cấm. Đối với các tỉnh phía Nam, vẫn phát hiện heo có tồn dư chất cấm nhưng với tỷ lệ thấp hơn nhiều so với thời gian trước và chỉ tập trung ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Theo báo cáo của Chi Cục Thú y TP Hồ Chí Minh vẫn phát hiện các lô dương tính với chất cấm. Tuy nhiên trong tháng 3, tỷ lệ phát hiện tồn dư chất cấm là 1,5%

Tình hình nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đến thời điểm hiện tại đã được cải thiện, tạo sự chuyển biến căn bản so với trước tháng 10/2015. Hiện nay, chỉ còn một số ít trang trại thông qua thương lái và người tiếp thị cám cung cấp chất Sabultamol trộn trực tiếp vào thức ăn cho heo và còn ít lượng Sabultamol trôi nổi trên thị trường, tập trung ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, Bình Dương,...

 

Theo Đại đoàn kết

.