leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Theo đó, Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Moong Thị Chanh (SN 1977, trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) về tội “Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài”.

Theo điều tra, cuối tháng 4/2019, Chanh đã rủ rê, đưa chị Cụt Thị An (trú cùng bản) lúc này đang mang thai ra bến xe Móng Cái (Quảng Ninh). Từ đây, Chanh dẫn chị An men theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc để bán thai nhi. Mức giá mỗi thai nhi là 70 triệu đồng đối với bé gái, còn bé trai 60 triệu đồng.

Sau khi xong việc, Chanh nhận 30.000 Nhân dân tệ và cùng chị An bắt xe quay về cửa khẩu Móng Cái. Tại đây, đối tượng đổi số tiền trên để lấy 96 triệu đồng.

Về đến nhà, Chanh đưa 70 triệu đồng cho anh Lương Phò May (chồng chị An), còn 26 triệu đối tượng giữ lại tiêu xài cá nhân.

Hiện tại, công an huyện Kỳ Sơn đang áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Chanh, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

KHÓ KHĂN TRONG XỬ LÝ

Trước đó, ngày 11/12/2018, tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An hôm nay, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh cảnh báo, thực trạng buôn bán người xảy ra ở các huyện miền núi chưa thể xử lý dứt điểm.

Trong năm 2018, cơ quan công an bắt giữ 16 vụ buôn người, giải cứu hơn 40 nạn nhân. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ có những vụ bán con ngay sau khi sinh ra, thậm chí bán cả mẹ lẫn con.

leftcenterrightdel
 Đại tá Nguyễn Hữu Cầu

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết: “Thủ đoạn của loại tội phạm này không mới, chúng thường tìm đến những người phụ nữ dân tộc, chủ yếu là người Khơ mú, sinh sống ở vùng núi cao, mang thai 6-8 tháng. Sau đó, các đối tượng dẫn thai phụ sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch”.

“Điều đáng nói hành vi bán mẹ thì xử lý theo quy định của pháp luật, tuy nhiên hành vi bán con không xử lý được, do Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định về tội phạm mua bán bào thai, cho nên quá trình điều tra, xử lý vô cùng khó khăn", Đại tá Nguyễn Hữu Cầu trăn trở.

Cũng theo Đại tá Cầu, “Sự việc xảy ra ở Trung Quốc, hiệp định tương trợ tư pháp ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 1988, chưa được sửa đổi. Đây là điều bất cập rất lớn mà lực lượng công an chúng tôi cố gắng tìm cách để ngăn chặn nhưng vẫn chưa có hiệu quả”.

PV