Không chỉ vào mùa vụ, nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nhái bao bì, nhãn mác liên tục hoành hành thời gian qua khiến cho không ít nông dân điêu đứng.

 


Treo đầu dê...

Ngày 20.9, tại TPHCM, ba bộ gồm: Công Thương, NNPTNT, Công an và Hiệp hội Phân bón VN (FAV) cùng đồng tổ chức hội nghị bàn về thực trạng thị trường phân bón, trong đó chủ yếu là biện pháp “dẹp loạn” nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang gây nhức nhối.

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký FAV chỉ ra có tới 6 mô hình kinh doanh phân bón kém chất lượng đang được các DN “giăng bẫy” nông dân. Đơn cử, hiện có tới 100 cơ sở, tổ hợp nhỏ lẻ và trên 30 Cty có địa bàn hoạt động tại trên 40 tỉnh, thành với những cái tên như Cty Hưng Thịnh, Nam Bắc, Khổng Minh, Tân Khang... nhưng lại in nhãn mác sản xuất sản phẩm của các Cty có thương hiệu như Phân bón Bình Điền, Supe phốt phát Lâm Thao, Cty phân bón miền Nam, Tập đoàn quốc tế Năm Sao...

Ngoài bao bì đề NPK: 16-16-8-13, tổng hàm lượng dinh dưỡng 53%, nhưng khi quản lý thị trường kiểm định thì chất lượng sản phẩm còn: N: 1,4%; P2O5:0,6%; K2O: 0,03% và S: 1,5%, tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ còn... 2,99%!

Nhiều cơ sở còn lừa  nông dân bón phân urê nước, thực chất chỉ là vài thìa canh urê bột pha vào can 5 lít nước bán với giá 50.000đ/can, được các cơ sở kinh doanh tuyên truyền là “urê nước” đậm đặc, bón cho đất vừa tốt, vừa chống được hạn hán”. Nhưng tốt chẳng thấy đâu, sau khi bón, cây trồng đều chết, số còn lại thì không phát triển.

Thủ phạm được nêu đích danh là Cty Miwon với phân bón nước hiệu MVL, nhưng lạ là Cty tồn tại kiểu kinh doanh này 2- 3 năm nay vẫn chưa bị “sờ gáy”. Cũng ở Yên Bái, quản lý thị trường mới đây đã bắt giữ  200 bao urê giả, kém chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc chuẩn bị đóng bao lấy thương hiệu urê Phú Mỹ, Hà Bắc, Cà Mau và 200 tấn phân DAP kém chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc mang vào VN tiêu thụ.

Gần đây, xuất hiện các hội thảo phân bón do các Cty “treo đầu dê” dụ nông dân đến nghe thuyết trình. Cty VD (có trụ sở ở TPHCM) về Tiền Giang thuê quán càfê để tổ chức hội thảo, mời nông dân đến uống càfê, thuyết trình về phân bón đặc hiệu; Cty Thabico (Tây Ninh) móc nối với Hội Nông dân huyện Cư Jút tổ chức hội thảo, mời dùng thử phân bón. Nhưng sản phẩm dùng thử thì tốt, sau đó, nông dân mua ồ ạt lên tới cả 100 tấn về bón càfê, ngô thì cây trồng rụng lá, chết hàng loạt. Mang đi kiểm định, nông dân mới té ngửa: Loại phân bón này chỉ ngang với... đất tốt!

Quản lý chưa nghiêm

Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương): Tình hình vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn biến vô cùng phức tạp. Các vụ vi phạm không chỉ ở mức độ nhỏ lẻ mà còn xuất hiện những vụ vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài như việc phân bón kém chất lượng sản xuất tại Trung Quốc nhập lậu vào VN.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường, đối tượng vi phạm cũng rất đa dạng và hoạt động khá tinh vi nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Các đối tượng cũng nghiên cứu rất kỹ các quy định của pháp luật để “lách” chỉ bị xử lý hành chính, không bị xử lý hình sự. 6 tháng đầu năm nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 1.057 vụ, chỉ xử lý 258 vụ (chiếm 24,4%); tổng số tiền thu phạt là hơn 3,9 tỉ đồng; tiêu hủy trị giá hàng hóa 1,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, chính cơ quan này cũng thừa nhận, kết quả nêu trên là rất khiêm tốn, chưa phản ánh đúng thực tế vi phạm rất phức tạp hiện nay.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất các loại phân bón, từ urê, phân lân, phân DAP, NPK... với tổng năng lực sản xuất trên 8 triệu tấn, đáp ứng được 80% nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ chỗ phải nhập khẩu gần 60% nhu cầu phân bón, đến nay, các DN trong nước đã chủ động được nguồn cung phân urê, phát triển những loại phân bón mới như DAP, kali...

Tuy nhiên, sự lộn xộn của thị trường phân bón hiện nay, do nguyên nhân chủ yếu là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hiện phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất kinh doanh (SXKD) có điều kiện, có giấy chứng nhận hoặc giấy phép, do vậy nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ các điều kiện cần thiết, chất lượng sản phẩm kém vẫn có thể tham gia.

Hậu quả là tình trạng SXKD phân bón giả, phân bón kém chất lượng, làm hàng nhái đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây thiệt hại cho bà con nông dân, nhất là ở những địa bàn trọng điểm về sản xuất nông nghiệp.


Để lập lại trật tự trên thị trường này, hiện Bộ Công Thương đã hoàn tất dự thảo nghị định về quản lý phân bón, thay thế NĐ 113 và NĐ 191 hiện hành.

Dự thảo sẽ hướng tới việc phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón, điều kiện để các tổ chức, cá nhân được cấp phép sản xuất phân bón như phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực; hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng phân bón, đồng thời loại bỏ những cơ sở yếu kém, không đủ điều kiện kinh doanh... Ngoài ra, dự thảo NĐ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, vật liệu nổ công nghiệp... cũng đang được gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định, cho ý kiến.
 

Theo Lao động

.