Từ nhiều nguồn tin cung cấp, Công ty TNHH Totalgaz Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) đã xác minh, thời gian gần đây, Công ty cổ phần khí hóa lỏng gas Long Phụng, đóng tại khu công nghiệp Hòa Bình (phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) có dấu hiệu chiếm dụng vỏ bình gas trái phép của nhiều doanh nghiệp, trong đó có thương hiệu Vinagas của Totalgaz Việt Nam.
 


Theo Công ty TNHH Totalgaz Việt Nam, Công ty Long Phụng thu gom vỏ bình gas của các hãng gas khác đem về tổ chức cắt quai tay cầm,  mài mỏng lô gô, chữ nổi bên ngoài vỏ bình rồi sơn phết thương hiệu mới. Hình thức hoán cải này đã làm cho độ dày bình gas từ 2,16mm trở nên bị mòn chỉ còn khoảng 1,3-1,5mm. Với những bình gas đã bị hoán cải do Công ty Long Phụng thực hiện,  bình gas sẽ không an tòan, có thể phát nổ khi chứa đầy gas.

Từ những nguồn tin đã xác minh được, ngày 14/6, đại diện Công ty TNHH Totalgaz Việt Nam đã đến Chi cục QLTT tỉnh Kon Tum kiến nghị làm rõ hành vi gian lận của Công ty cổ phần khí hóa lỏng gas Long Phụng. Công ty Totalgaz Việt Nam đề nghị Chi Cục QLTT Kon Tum chọn ngẫu nhiên  bình gas của Công ty Long Phụng tại đại lý Gas Bích Huy (số 128 Phan Đình Phùng) và đại lý Dũng Hà, (số 171A Phan Đình Phùng) TP. Kon Tum để kiểm tra.

Từ những bình gas do QLTT Kon Tum thu về, Công ty Totalgaz Việt Nam dùng thiết bị kỹ thuật “nội soi” bên trong 9 vỏ bình mang thương hiệu Long Phụng,  kết quả cho thấy, tại cửa hàng Dũng Hà cả 3 bình chữ nổi (lô gô) trên bình bị xóa, ở phần thân trong bình đều có chữ Vinagas (thương hiệu gas của Totalgaz Việt Nam được đóng chìm bên trong). Tại cửa hàng Bích Thủy, có  4/6 vỏ bình gas là của Vinagas, vỏ bình còn lại là thương hiệu Dak Gas và một bình không rõ nguồn gốc vì chữ in đã quá cũ.

Không chỉ kết quả "nội soi" đã tố cáo Công ty Long Phụng chiếm dụng vỏ bình gas của doanh nghiệp khác. Trước đó, vào ngày 27/5/2013, Chi cục QLTT tỉnh Kon Tum kiểm tra hoạt động sang chiết gas đối với Công ty Long Phụng và phát hiện doanh nghiệp này có dấu hiệu sang chiếc gas trái phép của các thương hiệu khác, trong đó có Vinagas, Petronas.

Tại hiện trường, lực lượng QLTT tỉnh Kon Tum đã phát hiện 4.500 màng co giả, nhiều nắp chụp bình giả nhãn hiệu, hơn 2.000 vỏ bình Công ty Long Phụng chiếm dụng của các công ty khác. Lực lượng kiểm tra còn phát hiện, Công ty Long Phụng không có hợp đồng sang chiếc gas với các thương hiệu nêu trên.

Theo Công ty Totalgaz Việt Nam, mặc dù việc việc phát hiện và lập biên bản vi phạm 4.500 niêm màng co giả  và hơn 2.000 vỏ bình Công ty Long Phụng chiếm dụng của các công ty khác nhưng gần một tháng nay Chi Cục QLTT tỉnh Kon Tum  vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng.

Một số đại lý là khách hàng của Công ty Long Phụng cho biết, bình gas của Công ty Long Phụng loại 12kg bán cho đại lý thường rẻ hơn các bình gas của các hãng khách khác khoảng 40.000 đồng, các đại lý này khi bán ra cho người tiêu dùng vẫn tính bằng giá với các sản phẩm của các hãng khác. Theo các hãng kinh doanh gas, để đầu tư mới mỗi vỏ bình gas tốn không dưới 500.000 đồng, nhưng khi doanh nghiệp chôm vỏ bình của công ty khác về hoán cải lại thành sản phẩm của mình chỉ tốn khoảng 100.000 đồng/bình.

Nhờ ”chôm” vỏ bình của công ty khác về hoán cải thành vỏ bình của mình đối tượng làm gas dởm đã thu lợi bất chính hàng tỷ đồng tiền đầu tư vào vỏ bình.


Theo Thế Vĩnh
Báo Công Thương

.