Trong khi chất tạo nạc Salbutamol vẫn được nhiều cở sở bất chấp sử dụng để thúc lợn tăng trọng thì mới đây Cục Quản lý Dược lại cho phép nhập khẩu chất này.

 

 

Mới đây, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế tiếp tục cho phép nhập khẩu chất salbutamol để phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh cho người. Theo đơn vị này, hiện nay các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện, cơ bản đáp ứng các quy định về sản xuất, kinh doanh chất này.

 

Các thuốc chứa chất salbutamol được sử dụng trong ngành y tế chủ yếu dùng ở khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính...

 

Ngày 20/11/2015, Cục Quản lý Dược đã tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol và clenbutarol (một loại chất tạo nạc khác). Tuy nhiên, nhiều người chăn nuôi vẫn sử dụng chất salbutamol để thúc lợn, bò nhanh lớn, nhiều nạc, dễ bán hòng tăng lợi nhuận.
 

Nhiều cơ sở chăn nuôi tại Thanh Hóa vừa bị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phát hiện sử dụng chất tạo nạc salbutamol gồm cơ sở của ông Trương Văn Định (xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa), Lê Văn Nam (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) và trang trại Đỗ Văn Đại (xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân).

 

Trước đó, 4 trại lợn với tổng số lượng khoảng 400 con của ông Trịnh Hữu Nghị, ông Nguyễn Thành An, ông Nguyễn Khoa Hồ và bà Bùi Thị Sáu, tại thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) cũng bị Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai phát hiện sử dụng chất tạo nạc thuộc nhóm  beta-agonist.

 

GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, các chất tạo nạc cho lợn thường có nguồn gốc từ nhóm B-agonist là Salbutamol, Chlebutarol. Đây là nhóm chất độc hại mà Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấm sử dụng nhiều năm nay.
 

Người chăn nuôi thường pha chất này với thức ăn cho lợn trong khoảng 1-2 tháng, thậm chí là 15 ngày. Sau nửa tháng phải cho lợn xuất chuồng vì nếu không chúng sẽ thoái hóa, có thể chết. Do đó, nếu ăn phải thịt lợn chứa chất tạo nạc, người sử dụng sẽ ăn trực tiếp tồn dư các chất đó.

 

Theo ông Thịnh, không có nghĩa Salbutamol được dùng trong y tế là có thể dùng để chăn nuôi. Chúng ta vẫn bán thuốc trừ sâu, nhưng không thể dùng để làm các việc khác, người tiêu dùng cần chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và gia đình.

 

Các chuyên gia khuyến cáo, việc sử dụng cao gấp từ 5 – 10 lần, Salbutamol sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

 

Theo VietQ

.