Lâm Đồng cùng với Tp.HCM là 2 đơn vị được chọn báo cáo tham luận về phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới tại Hội nghị giao ban công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2013 của 32 tỉnh, thành khu vực phía Nam vừa diễn ra ở Tp. Đà Lạt.


Toàn tỉnh có 17.948 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Bao gồm: 1.138 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 9.280 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 7.530 cơ sở dịch vụ ăn uống. Số hồ sơ công bố sản phẩm đến nay ở Lâm Đồng là 2.525 sản phẩm.

Từ năm 2011 đến 9 tháng đầu năm 2013, tại tỉnh Lâm Đồng, đã xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm với 827 người mắc và 4 người tử vong. Cụ thể: năm 2011 có 3 vụ ngộ độc thực phẩm, 490 người mắc, 3 trường hợp tử vong. Năm 2012 có 6 vụ, 267 người mắc, không có tử vong. 9 tháng đầu năm 2013 có 3 vụ 70 người mắc, 1 ca tử vong. Trong đó: 5 vụ ngộ độc do vi sinh vật, 2 vụ ngộ độc rượu, 1 vụ ngộ độc nấm, 4 vụ không rõ nguyên nhân. Ngộ độc thực phẩm xảy ra ở: 1 nhà hàng ô nhiễm nguồn nước, trong dân cư do rượu (rượu pha cồn công nghiệp và rượu ngâm rễ cây), ngộ độc bánh mì (3 vụ do Salmonella, 1 vụ không rõ nguyên nhân), tại tiệc cưới 2 vụ, tại trường học 2 vụ, tại gia đình do ngộ độc nấm.

Theo BS Bùi Văn Độ - Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng: Qua kết quả điều tra các vụ ngộ độc thực phẩm cho thấy, nguyên nhân thuộc về cả 3 nhóm đối tượng. Đối với người quản lý còn yếu, do chưa đủ số lượng (con người) và chất lượng (năng lực chuyên môn), việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm chưa nghiêm; chưa quản lý hết được các cơ sở trên địa bàn theo phân cấp quản lý, đặc biệt chưa kiểm soát được nguyên liệu cũng như sản phẩm thực phẩm trên thị trường. Đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thì chưa đủ kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm, cũng như chưa hiểu biết về pháp luật an toàn thực phẩm và còn thiếu đạo đức trong sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm không an toàn. Đối với người tiêu dùng còn thiếu kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cũng như thiếu hiểu biết về pháp luật.

Từ 3 nguyên nhân cốt lõi này, ngộ độc thực phẩm luôn có thể xảy ra. Năm 2013, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng triển khai giám sát mối nguy trên 7 loại thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao là: Nước uống đóng chai, giò chả, chả thịt lợn xay; kem, nước đá; thịt lợn quay; bún ướt, bánh phở; dầu mỡ đang chiên. Qua phân tích kiểm nghiệm tổng số 344 mẫu được lấy tại các cơ sở thực phẩm thuộc 8 huyện, thành phố trong tỉnh đã phát hiện 83 mẫu không đạt và 1/18 mẫu bún nhiễm Tinopal.

Cũng giám sát an toàn thực phẩm, Ban Quản lý Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Lâm Đồng (LIFSAP) đã thực hiện 2 đợt lấy mẫu thịt gà, thịt lợn, mẫu dao thớt tại các chợ, cơ sở giết mổ do dự án đầu tư  và dự kiến đầu tư tại 4 vùng GAHP (thực hành chăn nuôi tốt) trong tỉnh. Kết quả phân tích cho thấy mẫu lau thân thịt, dao, thớt nhiễm vi khuẩn Samonela, E.coli vượt quy chuẩn Việt Nam, có nơi từ 100-1.000 lần.

BS Độ cho rằng, để phòng chống ngộ độc thực phẩm có hiệu quả phải giải quyết những cái chưa có, chưa đủ, chưa đạt. Đó là: chưa đủ biên chế cán bộ làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (hiện có 13 biên chế), chưa có cơ sở để làm việc, chưa có phương tiện và trang thiết bị, chưa phối hợp tốt giữa các ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương. Hiện nay, mô hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc ngành y tế tuyến huyện Lâm Đồng là yếu nhất.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng đưa ra giải pháp cụ thể để ngăn chặn ngộ độc thực phẩm tại địa phương. Đối với người quản lý phải thực hiện tốt 3 chức năng, nhiệm vụ: Tư vấn, hướng dẫn giúp các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống biết và thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm ra thực phẩm an toàn; yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cam kết kinh doanh thực phẩm an toàn; để công bằng thì các cơ sở thực phẩm nào không đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải xử lý thật nghiêm và phải ngưng hoạt động để khắc phục. Đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống: tăng cường thanh kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở thực phẩm, tăng cường kiểm nghiệm thực phẩm nhằm phát hiện sớm thực phẩm không an toàn để xử lý vi phạm và thông báo trên đài loa để người tiêu dùng biết, tùy mức độ vi phạm mà nhắc nhở, xử phạt hay cưỡng chế. Đối với  người tiêu dùng: Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng, yêu cầu mỗi gia đình cam kết thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
 

Theo Báo Lâm Đồng

.