Thời gian gần đây, tình trạng trộm cắp tài sản diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên điều đáng nói, nhiều vụ trộm, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc thì kẻ trộm hóa ra là người thân trong gia đình.

 


Kẻ gian là con, là cháu

Mới đây, ông Nguyễn Bất (84 tuổi, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn), phát hiện 22 chỉ vàng 24k cất trong tủ thờ không cánh mà bay. Kết quả điều tra sau đó của cơ quan chức năng cho biết, thủ phạm không ai khác chính là cháu ngoại của ông Bất. Tại cơ quan chức năng, Huỳnh Ngọc Lại (SN 1998) khai, trong một lần sửa lại bóng đèn tủ thờ cho ông ngoại, hắn tình cờ phát hiện số vàng cất tại đây và nuôi ý đồ lấy trộm.

Bà Nguyễn Thị Mười, mẹ Lại, cho biết: “Thấy cháu nó gần đây hay có tiền, tôi hỏi thì nó bảo nhà nội cho, cách đây hơn 10 ngày, nó đòi mua xe máy, vì không có tiền nên tôi về xin cha tôi. Ngờ đâu khi cha tôi mở tủ ra thì toàn bộ số vàng dành dụm không còn. Cùng lúc này thấy thằng Lại mang xe máy mới mua về, gia đình hỏi nhưng nó chối, đến khi công an làm việc nó mới chịu nhận. Chuyện này gia đình tôi hoàn toàn bất ngờ”.

Thời gian gần đây, thỉnh thoảng các vật dụng lặt vặt như các thanh sắt, bàn bào, quạt máy trong xưởng mộc của anh Đỗ Trọng A. (ở xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) lại bị mất một cách bí ẩn. Giá trị tài sản bị mất không đáng là bao, nhưng một mất mười ngờ, nên anh A. quyết định báo cơ quan công an. Thế rồi, gia đình anh A. hết sức sửng sốt khi phát hiện thủ phạm chính đứa cháu ruột gọi anh bằng bác. Vốn là người trong gia đình nên việc cháu thường xuyên qua lại nhà bác cũng là lẽ thường. Nhưng cậu bé Đ.T.Q (SN 2002) đã “tăm tia” những đồ dùng có thể bán đồng nát, đợi lúc không ai để ý thì thó luôn.

Thực tế cho thấy, thường chúng ta chỉ cảnh giác, đề phòng mất tài sản với người lạ, còn đối với người thân trong gia đình ít ai đề phòng. Như trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thị L. (TP Quy Nhơn) vì nhà buôn bán nên tiền hàng thường được chị kiểm kỹ và để riêng. Tuy nhiên, mấy tháng nay, chị luôn bị chủ hàng phàn nàn tiền hàng cứ bị hụt vài chục, thậm chí có khi vài trăm nghìn. Và trong một lần tình cờ chị đi chợ về, thì phát hiện cô con gái lớn đang học lớp 10 vội vàng giấu gì đó trong túi quần, sau hồi truy vấn thì con bé thừa nhận thời gian qua, tiền hàng chị L. bị hụt là do cô bé lén rút bớt để ăn tiêu, mua sắm theo bạn bè. Chị L. nói: “Nhà có 4 người, nhà buôn bán nên người ra vào cũng nhiều nhưng giao dịch tại quầy là chính, trong khi đó tiền lại cất ở chỗ khác, chỉ người trong nhà mới biết. Thật là không thể ngờ được”.

Đề cao cảnh giác

Anh Nguyễn Văn Tý, trưởng CA xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn, chia sẻ: “Tại địa bàn xã thỉnh thoảng vẫn xảy ra các vụ mất trộm vặt, nhưng phần giá trị tài sản không nhiều, phần vì người thân, hàng xóm với nhau nên không muốn truy cứu đến cùng. Do đó, chúng tôi thường xử lý hành chính, bắt đối tượng trộm viết cam kết; thực tế có nhiều vụ sau khi làm rõ vụ việc thì mọi người thường bất ngờ vì không nghĩ kẻ trộm là con cháu, hàng xóm của mình”.

Chính tâm lý cảnh giác với người lạ, chứ ít nghĩ rằng kẻ gian là người trong nhà, nên đôi khi những vật dụng từ ít giá trị cho đến có giá trị lớn có thể do sự tin tưởng, có thể do sự vô tình của gia chủ, mà đã tạo cơ hội cho người có lòng tham nhìn ngó và tất yếu trở thành điểm ngắm, nói như ông Nguyễn Bất: “Tài sản cất trên góc tủ, mà hàng ngày mình vẫn thắp hương, thấy mọi thứ vẫn đóng nguyên hiện trạng, thì ai nghĩ được mất trộm. Việc con cháu trong nhà sửa cái này cái kia cũng là lẽ thường chứ ai ngờ đâu nó thấy rồi nó lấy”.

Yếu tố chủ quan, mất cảnh giác vẫn là nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng mất trộm tài sản, dù cho đó là người lạ hay người thân. Thực tế cho thấy, để bảo vệ tài sản của mình, mỗi chúng ta nên tập cho mình thói quen không nên hớ hênh, không nên tạo điều kiện để người khác trỗi dậy lòng tham. cần kiểm tra thường xuyên nơi cất tài sản nếu cất trong nhà; nhà cửa, nơi để tài sản nên khóa bảo vệ cẩn thận tránh việc tạo thuận lợi cho kẻ gian.

 

Theo Báo Bình Định

.