Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh liên tiếp phát hiện các vụ nhập lậu chất phụ gia, hóa chất thực phẩm từ Trung Quốc được “tuồn” qua vùng biên Móng Cái
Chỉ trong 2 ngày cuối tháng 5-2016, lực lượng chức năng ở vùng biên Móng Cái đã liên tiếp phát hiện các vụ nhập lậu chất phụ gia, hóa chất thực phẩm không nguồn gốc được đầu nậu đưa vào Việt Nam.
|
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh thu giữ hóa chất nhập lậu |
Cụ thể, ngày 25-5, Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Móng Cái đã thu giữ 600 kg chất bột tạo màu thực phẩm do Trần Thị Nguyệt (SN 1984, trú tại TP Móng Cái) vận chuyển trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. Sau đó 3 ngày (ngày 28-5), tại cơ sở hoạt động trái phép của Đồng Thị Thu Thủy (khu 5, phường Hải Hòa, TP Móng Cái), lực lượng công an thu giữ 1,2 tấn thịt bò đang trong quá trình phân hủy, chuẩn bị được chế biến thành thịt bò khô cùng 250 kg phụ gia đi kèm.
Trước đó, ngày 7-4, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an TP Hạ Long phát hiện trong kho hàng ở khu 2, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long có hơn 4,2 tấn hàng chứa trong các vỏ bao bì in chữ tiếng Anh và Trung Quốc. Chủ kho hàng là Tạ Thị Yến (SN 1975) không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ và giấy tờ kiểm dịch số hàng hóa trên.
Theo khai nhận của Yến, số hàng hóa trên gồm các loại bột pha trà sữa, bột chiên, trà chanh, xirô hoa quả, ngô hạt do Yến mua của những tiểu thương ở các chợ tại TP Móng Cái với giá từ 10.000-15.000 đồng/kg để bán cho các cơ sở giải khát, ăn uống làm sữa trân châu, nước hoa quả và tẩm bột rán trên địa bàn TP Hạ Long...
Cùng với đó, qua đấu tranh, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã phát hiện các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn sử dụng nguyên liệu, các chất bị cấm, thuốc kích thích tăng trưởng, ủ chín trái cây; các chất phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm. Đáng lo ngại là hầu hết các loại mặt hàng này đều được “tuồn” qua biên giới mà không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng, không giấy tờ hợp pháp, không qua kiểm dịch.
Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2016 đến nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển các chất phụ gia, hóa chất thực phẩm qua đường biên có chiều hướng gia tăng, phức tạp và rất khó kiểm soát. Ngoài các loại hóa chất để tẩm ướp thực phẩm, giúp thực phẩm tươi lâu, giữ màu, bột tăng trọng tạo nạc cho heo, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh còn phát hiện những lô hàng thực phẩm chức năng nhập lậu, trong đó có bột trẻ em không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Thoại, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh, cho biết thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu sử dụng là chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa, thuê cửu vạn vận chuyển qua các đường mòn, lối mở dọc theo biên giới đưa vào các khu vực chợ, bến xe, trung tâm thương mại.
Trước diễn biến phức tạp này, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn yêu cầu tăng cường kiểm soát việc lạm dụng hóa chất, phụ gia trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản… Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu các cơ quan của tỉnh tăng cường công tác thanh - kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm; đồng thời nêu tên những cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh những sản phẩm không an toàn để người dân được biết và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm
Trong ngày 2-6, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ phát động du lịch Quảng Ninh nói không với thực phẩm không bảo đảm an toàn. Đại diện lãnh đạo sở, các cơ quan chức năng cùng 21 doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, tàu nghỉ đêm, nhà hàng và đơn vị kinh doanh thực phẩm đã ký bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo đó, các doanh nghiệp đã cam kết tuân thủ đầy đủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nguồn gốc, sử dụng nguồn nước bảo đảm theo quy định để chế biến thực phẩm. Không sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm an toàn, không nguồn gốc; không sử dụng chất cấm, phẩm màu độc hại, phụ gia thực phẩm, hóa chất ngoài danh mục cho phép... |
Theo Người lao động