Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi chế biến thực phẩm một cách vô tội vạ nhất và ngày càng phổ biến. Hiện có đến 50% thuốc kháng sinh trên thế giới đang bị lạm dụng dùng trong nông nghiệp, đặc biệt trong chăn nuôi để tăng năng suất nuôi trồng.
Nói về “quốc nạn” thực phẩm bẩn, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội thảo cho rằng, pháp luật hiện nay còn thiếu nhiều lắm, chồng chéo và chậm sửa đổi…
“Năm 2015, Bình Dương bắt giữ 4.538 bịch Knor (hơn 4 tấn) loại 900g, sau đó chuyển qua cơ quan điều tra nhưng không đủ cơ sở để khởi tố nên nói sản xuất mấy ký bún làm sao mà khởi tố được. Luật đưa ra cho vui thôi”, một điển hình được ông Danh nêu ra để nói về sự yếu kém và thiếu của hệ thống pháp luật.
Cũng theo ông Danh, pháp luật hiện đang theo đuôi: “Ví dụ, chỉ khi nói đến trong thực phẩm có chứa chất vàng ô, Salbutamol… thì mới vội vã mở văn bản đưa chất cấm. Chứ chưa hề có một cơ chế để phòng, định hướng cho người sản xuất và NTD”.
Cơ quan thực thi Luật ATVSTP thì như thế nào? Theo ông Danh chính sự phân công phân cấp có vẻ rất rõ ràng thực ra lại không rõ ràng một chút nào, ngược lại rất chồng chéo và rối rắm.
“Vừa qua, khi thông tin có hơn 9 tấn Sabultamol được Bộ Y tế cho phép các công ty dược phẩm nhập khẩu về trong năm 2015 nhưng chỉ có khoảng 10kg được dùng trong sản xuất dược, còn lại, bằng cách nào đó chúng được chuyển sang sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tôi không biết báo mạng nói chính xác hay không nhưng trên đó, tôi thấy ông y tế nói khác, ông nông nghiệp nói khác, ông hải quan nói khác, ông cảnh sát điều tra nói khác. Và đang tranh luận nhau về mặt trách nhiệm”, ông Danh dẫn chứng.
“Việc cấp bách lúc này là giải quyết triệt để vấn đề để người dân không phải ăn thịt heo có chứa Salbutamol nữa chứ không phải là đi tranh cãi nhau về mặt trách nhiệm. Trách nhiệm thì nội bộ làm việc với nhau chứ đưa lên báo chí làm gì?”, ông Danh phản ứng.
Người tiêu dùng đang tước bỏ quyền lợi của mình
Theo ông Danh thì NTD thiếu kiến thức về pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD. Trong khi quyền lợi đã được pháp luật công nhận chứ không phải là cảm tính nhưng hỏi đến thì không biết có những quyền lợi nào. Chưa kể tâm lý e ngại. Mặc dù biết mình bị thiệt hại đó nhưng cứ chậc lưỡi: chuyện này nhỏ quá không quan tâm; bận quá thôi bỏ đi; đến cơ quan chức năng ngại quá, hẹn tới hẹn lui mất công quá, thôi bỏ đi… Chính NTD đang tự tước bỏ quyền lợi của mình và không đánh giá đúng vai trò của mình trong nền kinh tế, đặc biệt trong vấn đề tẩy chay, xóa bỏ thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng.
“Chúng tôi vẫn thường nói, mặc dù nó là chuyện nhỏ nhưng chúng ta quan tâm, chúng ta tố cáo để nhiều người cùng biết, tạo ra một luồng dư luận, khiếu nại đến cơ quan chức năng… là một cách thể hiện thái độ rõ ràng nhất với thực phẩm không an toàn, cùng chung tay bảo vệ lẫn nhau. Mỗi người đều làm được vậy thì sẽ đỡ cho cộng đồng biết bao”, ông Danh nói.
Theo NTD