Gà Trung Quốc sau khi tận dụng triệt để lấy trứng, chủ trang trại phải tiêu hủy. Nhiều đối tượng hám lợi, bất chấp nguy cơ lây lan dịch bệnh cao vẫn tìm mọi cách tiêu thụ, tuồn vào Việt Nam "phù phép" thành gà ta xịn.


Nguy cơ dịch bệnh từ gà không rõ nguồn gốc

Ông Cấn Xuân Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, cho biết hiện tượng gia cầm không rõ nguồn gốc xuất hiện tại một số chợ trên địa bàn thủ đô, đặc biệt là chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) là có thật. Ông Bình cho rằng, việc gia cầm thải loại của Trung Quốc nhập lậu, đưa sâu vào nội địa Việt Nam là rất nguy hiểm. Nếu không kiểm soát chặt, nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh rất cao và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại chợ gia cầm Hà Vĩ việc nhập lậu gia cầm vẫn diễn ra tấp nập và dường như không có sự kiểm soát nào cửa cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV, Ông Dương Xuân Tĩnh - Trạm phó trạm thú y huyện Thường Tín, Hà Nội, cho biết khó kiểm soát được gà Trung Quốc nhập lậu, bởi Hà Vĩ là điểm tập kết gia cầm từ nhiều nơi đổ về. Các hộ kinh doanh xé lẻ gia cầm từ bên ngoài đưa vào chợ, cơ quan thú y chỉ kiểm tra cảm quan thấy gia cầm khỏe mạnh thì cho vào kinh doanh.

Điều đáng nói là Trạm thú y huyện Thường Tín hiện có 14 cán bộ thú y được điều động cho Trạm kiểm dịch Hà Vĩ với mục đích kiểm tra nguồn gốc, sức khỏe gia cầm khi vào chợ. Tuy nhiên, với con số gia cầm về chợ quá lớn, nếu xe chở lậu qua các tỉnh trót lọt thì khi về đến Hà Vĩ việc kiểm dịch chỉ còn là hình thức.

Ngoài khó khăn trong kiểm soát gia cầm nhập lậu, chất lượng gia cầm cũng là vấn đề. Theo một tiểu thương chuyên kinh doanh gia cầm tại chợ đầu mối Hà Vĩ, đa phần gà chuyển về đây là gà mía Trung Quốc. Đây là loại gà đã "hết đát", thải ra từ những trang trại chăn nuôi bên kia biên giới.

Theo tiểu thương này, muốn mua được gà rẻ thì đợi đến cuối ngày giá chỉ 38.000 đồng/kg. Loại gà này thường gãy cánh, gãy chân nên có những nốt u nhỏ bằng ngón tay ở cánh và đùi gà. Tuy nhiên, một tiểu thương bán gà công nghiệp tên Thái lại cho biết, những nốt u màu xanh tím sẫm đó là do thuốc tiêm. Thuốc được tiêm vào những con gà yếu để chống chết trên đường di chuyển. Theo người bán gà công nghiệp này, những con gà tiêm thuốc có dáng điệu ủ rũ, mắt lờ đờ, cầm cả con lên vẫn còn sống mà chẳng thấy cựa quậy gì... Những loại gà thải này thường được đưa về bán cho các tiệm cơm suất, cơm bình dân.
 

Theo Người đưa tin

.