Tại buổi họp báo quý 2/2022 của UBND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho hay, ngay sau khi nắm được thông tin hàng chục du khách bị nghi ngộ độc thực phẩm vào ngày 2/8. Ngày 3/8, Ban quản lý cũng đã thanh tra, kiểm tra toàn diện cơ sở có trong lời khai của các du khách.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở M.P. (địa chỉ 85 Hồ Nghinh, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, chưa có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Còn đối với nhà hàng T.S (148 Nguyễn Tri Phương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) mà đoàn khách ăn tối là cơ sở đã nằm trong diện quản lý trên hệ thống. Ngày 3/8, chúng tôi đã mở rộng thanh tra kiểm tra toàn diện các nhà hàng trong hệ thống công ty này, song song việc mở đợt kiểm tra toàn diện các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống tại thành phố theo kế hoạch”, ông Hải cho hay.
|
|
Hàng chục du khách bị ngộ độc thực phẩm khi đang đi du lịch tại TP Đà Nẵng. (Ảnh: BV) |
Theo Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng, đơn vị đang hoàn tất hồ sơ, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nhà hàng vi phạm. Đồng thời, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với ngành chức năng liên quan mở đợt kiểm tra toàn diện các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống tại thành phố Đà Nẵng nhằm kịp thời phát hiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không đảm bảo chất lượng, công khai cho người dân và du khách biết.
Đại diện Ban quản lý cũng cho biết thêm, việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong đợt cao điểm mùa hè là đã dự báo trước, chủ yếu do 3 yếu tố: nắng nóng tăng cao khiến các vi sinh vật phát triển rất thuận lợi, dịch COVID-19 gây gián đoạn nguồn nhân lực, đặc biệt là tại các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống và du lịch. Ngoài ra, , việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn do sự bùng phát du lịch khiến quá tải cục bộ.
Trước đó, ngay từ tháng 3/2022, Ban quản lý đã thực hiện sớm những công tác để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho mùa cao điểm du lịch. Cụ thể, Ban quản lý làm công tác “truyền thông đi trước một bước” và lập danh sách khoảng 300 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống để theo dõi thường xuyên. Đồng thời, Ban quản lý phối hợp Sở Du lịch để huấn luyện, đào tạo các cơ sở trên.
“Giải pháp lâu dài để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là thực hiện 3 giải pháp gồm: Truyền thông đi trước một bước; Thanh kiểm tra toàn diện để tạo sức lan tỏa; Tranh thủ sự tham gia của người tiêu dùng. Làm sao cho người tiêu dùng nhận biết được đâu là cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trả tiền đúng với chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu làm không tốt thì người tiêu dùng sẽ là người “trừng phạt” doanh nghiệp”, ông Hải khẳng định.
Như trước đó Báo BVPL đã thông tin, sáng ngày 1/8, đoàn du khách gồm 120 người đến từ thị trấn Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vào TP Đà Nẵng du lịch và lưu trú tại khách sạn Golden Sea, 242 Võ Nguyên Giáp, Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Trưa ngày 1/8, đoàn đi ăn tại nhà hàng M.P và ăn tối tại nhà hàng T.S.
Đến 6h sáng ngày 2/8, có 2 khách có triệu chứng ngộ độc thực phẩm và được đưa đến Bệnh viện 199 lúc 9h sáng và từ 9h sáng đến 21h30 có tổng cộng 26 bệnh nhân nhập viện cấp cứu với các triệu chứng: đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, không sốt. Đến 21h30, 23 bệnh nhân đã xuất viện trở về khách sạn nghỉ ngơi, 3 bệnh nhân ở khoa cấp cứu.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng vẫn đang thực hiện công tác điều tra để tìm nguyên nhân vụ việc. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.