Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều cơ sở thờ tự bị trộm đột nhập lấy đi nhiều tài sản gồm tiền, vàng, tượng Phật. Những vụ trộm này chủ yếu xảy ra tại những ngôi chùa có ít người, không nằm trong khu dân cư.
Cạy cửa, phá khóa
Khoảng 11 giờ ngày 29.7, chị Phan Thị Tài (thôn Tân Điền, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, là phật tử) qua chùa Tân Long ở gần nhà để giúp việc cho sư trụ trì, thì phát hiện cửa phòng của trụ trì mở toang. “Nghĩ sư trụ trì đi công việc về nên tôi vừa gọi vừa đi vào trong phòng và phát hiện 2 ổ khóa cửa phòng bị phá, căn phòng bị lục tung, cửa tủ nơi để tài sản dù đã được khóa cẩn thận song cũng bị kẻ gian cạy bung”, chị Tài nhớ lại. Ni sư trụ trì chùa Thích Nữ Tịnh Thành sau đó phát hiện tài sản của chùa bị mất trộm gồm 6 triệu đồng, 13 chỉ vàng.
Trước đó, lúc 4 giờ ngày 27.7, sư thầy Thích Nguyên Đạt, trụ trì chùa Giác Nguyên (Nhơn Tân, thị xã An Nhơn) sau khi ngủ dậy, theo thói quen đi quanh chùa và phát hiện cửa chánh điện mở tung, 5 pho tượng Phật đã không còn nữa. Tiếp tục kiểm tra nhà thờ tổ, sư trụ trì phát hiện 1 pho tượng Phật cũng bị kẻ gian lấy mất. Tổng tài sản thiệt hại ước 200 triệu đồng.
Cách đây hơn 2 tháng, sư thầy Thích Đồng Hương, trụ trì chùa Trường Giác (thôn Giang Bắc, xã Phước Hiệp, Tuy Phước) sau khi đi ra ngoài về cũng phát hiện toàn bộ số tài sản là tiền công đức của các phật tử, được cất trong tủ để ở phòng ngủ, đã mất sạch, gồm 95 chỉ vàng, 300 USD, 50 bảng Anh và 20 triệu đồng tiền mặt.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xảy ra 183 vụ trộm, so với cùng kỳ tuy số vụ có giảm, song lại nổi lên tình trạng trộm đột nhập vào các cơ sở thờ tự, với 6 vụ, trong đó Tuy Phước 3 vụ, An Nhơn 1 vụ, Phù Cát 2 vụ. Trước tình hình này, CA tỉnh đã chỉ đạo CA các địa phương, các phòng nghiệp vụ tăng cường đấu tranh, phòng chống tội phạm này bằng cách nhanh chóng điều tra vụ việc, đảm bảo tình hình ANTT tại địa phương.
Thận trọng để bảo vệ tài sản
Kết quả khám nghiệm hiện trường các vụ trộm tài sản ở chùa cho thấy bọn trộm vẫn sử dụng các thủ đoạn cũ như dùng vật cứng bằng kim loại, có mũi nhọn để cạy phá khóa cửa ra vào, đột nhập vào phòng và phá khóa các tủ trộm tài sản.
Thiếu tá Trương Hữu Hiệp, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội CA huyện Tuy Phước, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 3 vụ trộm tại nơi thờ tự. Các vụ trộm đều do kẻ gian lợi dụng lúc chùa không có người trông coi nên đột nhập, phá khóa cửa, khóa tủ lấy tài sản. Bọn trộm này hết sức chuyên nghiệp, trước khi gây án đã dành thời gian tìm hiểu quy luật sinh hoạt của các nơi thờ tự để chọn thời điểm thích hợp ra tay, đồng thời khi thực hiện xong một vụ trộm hiện trường để lại cũng không có gì nhiều”.
Một trong những nguyên nhân của các vụ trộm cắp tài sản tại các cơ sở thờ tự là do tâm lý chủ quan, thiếu cảnh giác của các nhà sư, rằng chùa chiền là nơi linh thiêng, kẻ gian không dám có hành vi mạo phạm, vô lễ. Một số đối tượng trộm cắp biết các chùa thường có tiền do phật tử cúng dường và biết được sơ suất này nên đã ra tay. Lý giải về việc không cất tài sản ở nơi đảm bảo hơn, sư trụ trì Thích Đồng Hương, chùa Trường Giác, nói: “Tiền của chùa thì phải để ở chùa, mình đem cất giấu ở một nơi khác thì cũng phải nói cho người khác biết, nếu có bất trắc thì lại đâm ra nghi kỵ không hay”. Tâm lý chủ quan đó còn đưa đến việc cất giữ, quản lý tài sản tại các chùa cũng khá lỏng lẻo, đa phần đều để trong tủ gỗ có gắn ổ khóa cố định, nên kẻ gian rất dễ ra tay.
Để ngăn chặn nạn trộm cắp tại các cơ sở thờ tự, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, thì các chư tăng trụ trì các chùa cũng cần phải nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ tài sản tại nơi thờ tự bằng các biện pháp cụ thể như gia cố các cửa ra vào, tường rào bảo vệ chùa, lắp đặt hệ thống camera giám sát và cảnh báo, cắt cử người canh gác bảo vệ chùa; khi phát hiện có dấu hiệu khả nghi nên điện báo các cơ quan chức năng; tài sản có giá trị phải được cất giữ ở nơi kín đáo.
Theo Báo Bình Định