Đậu nành, bột bắp rang cháy trộn với hóa chất thành... càphê bột là công thức phổ biến tại nhiều cơ sở chế biến càphê tại Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) - thủ phủ càphê Việt Nam. Càphê giả được sản xuất trong những căn nhà gỗ, mái lợp tôn, nền ximăng cáu bẩn với thiết bị là những chai lọ, xô thùng, xoong chảo, mới nhìn đã phát kinh. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm, song các cơ quan chức năng đều kêu... khó xử lý.

 


Dẫn chúng tôi tham quan "nhà xưởng", bà X giới thiệu: “Lọ này là chất làm keo, thường gọi là CNC, có tác dụng làm cho càphê sánh. Chai này là chất tạo bọt trắng, nhờ nó mà càphê sau khi pha xong chỉ cần khuấy nhẹ là sủi bọt, nhìn hấp dẫn. Còn những chai này là caramen tạo mùi vị, đường hóa học làm tăng độ béo và nhiều chất linh tinh nữa...". Hỏi toàn hóa chất như vậy, càphê chẳng khác nào thuốc độc? Bà X tỉnh bơ: "Tôi làm càphê này lâu rồi, khách hàng ngày nào cũng uống, không thấy ai bị gì cả”.

Đầu độc người tiêu dùng

Ông Cao Chánh Phương - chủ cơ sở chế biến càphê bột Phương Sanh, TP.Buôn Ma Thuột - phân tích: "Giá thành 1kg càphê bột khoảng 100.000 đồng, nhưng càphê bẩn chỉ cần bán được nửa giá này đã lãi gấp 3 - 4 lần do nguyên liệu là đậu nành, bột bắp, hóa chất trôi nổi rất rẻ". Cũng theo ông Phương, các quán càphê cũng có lỗi một phần, bởi họ toàn chọn mua càphê giả, càphê bẩn cho rẻ. Chính vì vậy, các cơ sở chế biến càphê bẩn, hoạt động không phép nở rộ như nấm sau mưa, không thể kiểm soát được.

Thống kê từ các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc, chỉ tính từ cuối năm 2012 đến nay, đã có gần 20 cơ sở sản xuất, chế biến càphê bột không đạt tiêu chuẩn bị phát hiện. Nhưng bị phạt không có nghĩa là họ từ bỏ càphê bẩn, bởi lợi nhuận thu được rất lớn. Trong đó cơ sở chế biến càphê của ông Nguyễn Đình Quang hoạt động từ năm 2013, từng bị xử phạt gần 40 triệu đồng, sau đó vẫn tái phạm.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Đắc Lắc - hỗn hợp ngũ cốc rang cháy, tức càphê bẩn có tác hại rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, trong đó đậu nành, bột bắp cháy đen tẩm hóa chất có thể gây ung thư. Nhiều cơ sở còn sử dụng thuốc ký ninh (thuốc trị sốt rét) hoặc caffeine để tăng vị đắng, tăng cảm giác kích thích, giúp vui vẻ, hưng phấn, không gây buồn ngủ... cho người uống càphê. Caffeine là chất gây mất ngủ, đi tiểu nhiều, tiêu chảy... Người sản xuất còn sử dụng những chất tạo bọt có thể gây kích ứng da, tổn thương niêm mạc; một số chất có kim loại nặng, dễ gây nhiễm độc cơ thể...

Trong khi đó, Chi cục Quản lý thị trường Đắc Lắc cho biết, việc xử lý cơ sở chế biến càphê bẩn rất khó do thiếu máy móc xét nghiệm, nhân lực, lại liên quan đến rất nhiều ngành. Chế biến là ngành nông nghiệp, sản phẩm ra thị trường là ngành công thương, khi pha thành thức uống là ngành y tế... Nhiều vậy, nhưng thiếu sự phối hợp nên vẫn chưa thể kiểm soát được chất lượng càphê.

 

Theo Lao động

.